Làm rõ trách nhiệm, đồng bộ chính sách, phát huy hiệu quả quản lý tài sản công

Thùy Linh

Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) đã tập trung làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm với từng loại tài sản, phân loại cụ thể TSKCHT theo đặc thù ngành và hoàn thiện cơ chế chuyển giao, khai thác tài sản phù hợp với thực tiễn.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Ảnh: Internet.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Ảnh: Internet.

Bám sát chủ trương, cụ thể hóa quy định pháp luật

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu chính của việc xây dựng Nghị định là tạo khung pháp lý đồng bộ để xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm quản lý TSKCHT, đảm bảo công khai, minh bạch trong hạch toán, sử dụng, xử lý và khai thác tài sản. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công, nhất là trong bối cảnh nhiều loại TSKCHT chưa được phân định rõ ràng về cơ chế vận hành. Dự thảo Nghị định được xây dựng trên ba quan điểm chủ đạo.

Thứ nhất, quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong sử dụng tài sản công.

Thứ hai, cụ thể hóa các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời bảo đảm tính tương thích với pháp luật chuyên ngành và đặc thù của từng loại TSKCHT.

Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua cơ chế giao tài sản cho các chủ thể quản lý rõ ràng; đồng thời, thiết lập chế độ kê khai, báo cáo, cập nhật cơ sở dữ liệu thống nhất về TSKCHT trên toàn quốc.

Dự thảo Nghị định áp dụng đối với các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo khoản 2 Điều 4 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (đã được sửa đổi, bổ sung tại nhiều luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…).

Tuy nhiên, dự thảo không điều chỉnh đối với một số trường hợp đặc biệt, gồm: TSKCHT giao cho doanh nghiệp theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; TSKCHT thuộc đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; TSKCHT đã được bán, chuyển nhượng hoặc tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; Một số loại TSKCHT như y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – thể thao – du lịch, khí tượng thủy văn, thông tin khoa học công nghệ… đang được giao theo chế độ tài sản công tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng các loại TSKCHT như giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch, chợ, cụm công nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo các Nghị định chuyên ngành. Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa quy định đầy đủ thì sẽ áp dụng tạm thời theo Nghị định này cho đến khi hệ thống chính sách được hoàn thiện.

Đối với các loại TSKCHT còn lại mà Chính phủ hoặc pháp luật chuyên ngành chưa có hướng dẫn cụ thể, cơ quan được giao quản lý tài sản sẽ thực hiện theo chế độ tương ứng tại cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, căn cứ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phân loại tài sản kết cấu hạ tầng và nguồn tài sản để giao quản lý

Việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và tuân thủ các nguyên tắc đã được quy định tại các nghị định liên quan đến từng loại tài sản kết cấu hạ tầng.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao quản lý, xử lý và khai thác tài sản (bao gồm cả việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý, khai thác tài sản) so với nội dung quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của dự thảo Nghị định, tài sản kết cấu hạ tầng được phân loại theo nhóm tài sản chuyên ngành, gắn liền với vùng đất, vùng nước (nếu có) phục vụ hoạt động công cộng hoặc có thể khai thác thương mại theo quy định pháp luật.

Cụ thể, các nhóm tài sản bao gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng trong các khu cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ số tập trung và khu kinh tế; Tài sản kết cấu hạ tầng là thiết chế văn hóa, thiết chế thể thao; điểm và khu du lịch; di tích lịch sử – văn hóa; danh lam thắng cảnh và làng văn hóa; Tài sản hạ tầng kỹ thuật như không gian xây dựng ngầm đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật chung; Tài sản kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu như hệ thống đê điều, hệ thống trực canh quản lý đa thiên tai, đa mục tiêu…

Dự thảo cũng quy định Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành, công bố và điều chỉnh danh mục tài sản cụ thể thuộc từng loại nêu trên, nhằm bảo đảm việc phân loại và quản lý phù hợp với đặc thù chuyên ngành.

Về nguồn gốc của tài sản kết cấu hạ tầng để giao cho các đối tượng quản lý, dự thảo quy định gồm: tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư và đang quản lý nhưng chưa được giao cụ thể cho đơn vị quản lý tại thời điểm Nghị định có hiệu lực; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và được xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho đơn vị đủ điều kiện quản lý; tài sản hình thành từ quá trình thực hiện dự án đầu tư; và tài sản hiện do các đối tượng ngoài phạm vi quy định tại Nghị định này đang quản lý nhưng có nhu cầu điều chuyển cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Nghị định.

 

Việc xây dựng và ban hành Nghị định không chỉ đáp ứng yêu cầu pháp lý mà còn tạo nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, thúc đẩy xã hội hóa, và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Đây là một trong những giải pháp thể chế quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trong thời kỳ mới.