Tăng trưởng cao tạo đà cho kinh tế bứt phá

Nguyệt Hà

Trong bối cảnh nhiều thách thức, Chính phủ vẫn đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 8,3% đến 8,5%. Mục tiêu này không chỉ mang tính biểu tượng cho sự phục hồi và bứt phá, mà còn là bước tạo đà cần thiết để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững giai đoạn 2026 - 2030.

Tăng trưởng cao không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là thông điệp về ý chí và khát vọng phát triển của Việt Nam.
Tăng trưởng cao không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là thông điệp về ý chí và khát vọng phát triển của Việt Nam.

6 tháng qua, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,52% - mức cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2025; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 432 tỷ USD, xuất siêu là 7,63 tỷ USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký là 21,52 tỷ USD, tăng 32,6%...

Tín hiệu hết sức lạc quan là mức tăng trưởng mang tính đồng đều và toàn diện, được dẫn dắt bởi cả 3 khu vực kinh tế. Cụ thể, khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao với mức 8,14% và đóng góp tới 52,21% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,2% vào tăng trưởng chung. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ ổn định cho nền kinh tế, có mức tăng 3,84%, đóng góp 5,59% vào mức tăng chung.

Như vậy, dù đối mặt với khó khăn nội tại và từ bên ngoài, nhưng Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, tập trung khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, qua đó đã bước đầu có những tác động tích cực đến nền kinh tế.

Báo cáo Bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, chính sách tài khóa tiếp tục được điều hành theo hướng mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm; chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 16%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng 32,6% so với cùng kỳ, vốn FDI giải ngân ước đạt 11,72 tỷ USD, là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,27%, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2024. Lãi suất cho vay giảm nhẹ, tăng trưởng tín dụng khởi sắc; thu ngân sách nhà nước tăng mạnh nhờ đà tăng tích cực của sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, một trong những yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là Đảng và Nhà nước thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quyết liệt triển khai “Bộ tứ trụ cột”, mở ra nhiều cơ hội phát triển của nền kinh tế.

Sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (KCN Nội Bài, Hà Nội).
Sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (KCN Nội Bài, Hà Nội).

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tăng trưởng 8,3 - 8,5% không phải là mục tiêu bất khả thi, mà là mục tiêu không thể không làm. Do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, “làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó”, phân công “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền).

Việc nâng mức tăng trưởng mục tiêu từ “8% trở lên” lên “8,3 - 8,5%” cho thấy tinh thần chủ động, quyết liệt của Chính phủ. Với mục tiêu này, các kịch bản tăng trưởng được tính toán cụ thể dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế cùng sự phân tích kỹ lưỡng về điều kiện, động lực và rủi ro. Trong đó, kịch bản tăng trưởng 8,3 - 8,5% không phải là một “niềm tin cảm tính”, mà là kết quả của tính toán với hàng loạt chỉ tiêu đầu vào rõ ràng như tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu… đi kèm với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Một điểm mới rất đáng chú ý là việc “khoán tăng trưởng” đến từng địa phương, từng doanh nghiệp nhà nước. Cách làm này không mới về hình thức nhưng thể hiện tinh thần hành động có chiều sâu hơn, gắn trách nhiệm với quyền hạn, đồng thời tạo ra cơ chế khuyến khích, giám sát cụ thể hơn.

Các địa phương “đầu tàu” về kinh tế như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh hay Quảng Ninh đều được giao mức tăng trưởng mới, cao hơn trước đây. Không còn là “khuyến khích” mà là “mệnh lệnh hành động”. Đây là bước đi mạnh mẽ, phù hợp trong bối cảnh tăng trưởng không thể tiếp tục trông chờ vào những “động lực truyền thống” mà cần sự chuyển động đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào “bộ tứ trụ cột” - gồm đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư tư nhân. Đây chính là bốn “cánh kéo” chủ lực đang được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là thước đo của năng lực điều hành và thực thi. Trong đó, những công trình hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến giao thông kết nối vùng... đang mang kỳ vọng sẽ “dẫn đường” cho các dòng vốn tư nhân và FDI đi theo.