Giai đoạn 2025-2030:
Thanh Hoá đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tư nhân đạt 13%/năm
Đây là mục tiêu tăng trưởng cao được tỉnh Thanh Hoá đặt ra cho giai đoạn đến năm 2030, cùng với đó là nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ.

Theo Kế hoạch số 149-KH-UBND ngày 17/7/2025 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá về thực Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đến năm 2030, địa phương này phấn đấu có 40.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, đạt tỉ lệ 10,44 doanh nghiệp hoạt động/1.000 dân; hình thành một số doanh nghiệp lớn tham gia các chuỗi giá trị trong nước, khu vực ASEAN và toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân bình quân giai đoạn 2025 – 2030 đạt 13%/năm.
Thanh Hoá cũng sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của Tỉnh năm 2030 đạt khoảng 58-62%; đóng góp khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2025 - 2030 đạt khoảng 15-17%/năm.
Đồng thời, nỗ lực thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh với nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và khu vực ASEAN.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hoá phấn đấu đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế; có 70.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp khoảng 70% GRDP của tỉnh.
Cùng với các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ đạo thực hiện triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan phải đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hoá quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp với các quy định của Trung ương và điều kiện của tỉnh để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng, tài nguyên, vốn đầu tư, công nghệ,...
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo hướng những việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mà có thể phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, các địa phương thì thực hiện phân cấp, ủy quyền để rút ngắn thời gian, giảm bớt các thủ tục hành chính.
Miễn thu phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với các loại giấy tờ nếu phải cấp lại, cấp đổi khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật.
Với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.
Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh phát triển bền vững, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.