Nhận diện cổ phiếu bị “làm giá”
(Tài chính) Thị trường chứng khoán giao dịch sôi động, thông tin kinh tế vĩ mô có nhiều nét tích cực là cơ hội lớn cho các “đội lái”. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhận định: Từ nay đến cuối năm là thời điểm các cổ phiếu “bị làm giá” hoạt động mạnh.

Nhận diện cách làm giá chứng khoán
Theo ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), công tác giám sát thị trường chứng khoán nói chung được thực hiện ngày càng chặt chẽ. Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, UBCKNN đã tiến hành phân tích 70 mã chứng khoán có giao dịch bất thường và đã chuyển sang bộ phận thanh tra để xử lý một số trường hợp.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, UBCKNN cũng mới chỉ xử phạt 6 vụ “thao túng” giá chứng khoán, với tổng số tiền phạt là 1,58 tỷ đồng. Các mã chứng khoán bị “làm giá” là BGM, SPI, CVN, HLG, CLG, TLH. Tuy nhiên, một nửa trong số đó là các vụ làm giá đã diễn ra khá lâu trong giai đoạn 2011-2012.
Trao đổi với Người Đồng Hành, một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết: Các thủ đoạn làm giá vẫn theo các bước truyền thống là gom một lượng cổ phiếu đủ lớn, kiểm soát được các cổ đông lớn trong việc cam kết không bán ra, kết hợp với nhiều CTCK để được “vay margin” cho các cổ phiếu trong diện làm giá. Các đội lái sẽ điều phối thời gian đưa thông tin “tốt” của doanh nghiệp kết hợp với lượng cung cầu lớn để tạo thanh khoản đẩy giá chứng khoán lên một mặt bằng giá cao so với giá trị thật. Tiếp sau đó là quá trình xả hàng dần dần cũng được diễn ra với lượng thanh khoản lớn, nhằm lôi kéo lượng cầu thật trong giai đoạn này tham gia để “đội lái” có thể thoát hàng dần dần.
Điểm khác biệt so với giai đoạn trước là các CTCK hiện nay đã “tỉnh táo” hơn trong việc cung cấp margin cho những cổ phiếu không có nền tảng tốt. Do đó, các đội lái phải sử dụng nguồn tiền thật của mình nhiều hơn. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu hiện tại ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn thị trường tăng nóng trước đây nên vẫn còn nhiều “đất” để các đội lái “điều binh khiển tướng”.
Đáng chú ý, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều hơn những cổ phiếu được chính các doanh nghiệp chủ động “làm giá”. Cụ thể là ban lãnh đạo doanh nghiệp kết hợp với đội lái chủ động nâng giá cổ phiếu. Nếu có sự hậu thuẫn về nguồn cổ phiếu từ phía doanh nghiệp, đội lái không còn phải vất vả trong việc “gom hàng”, dễ dàng kiểm soát thông tin từ doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường. So với mức xử phạt vài trăm triệu đồng, thì mức lợi nhuận thu được từ việc làm giá chứng khoán lớn hơn rất nhiều.
Theo giới trong nghề, mặc dù các cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát những giao dịch bất thường, nhưng vẫn còn bỏ lọt rất nhiều “tay lái” chứng khoán. Bởi các đội lái chuyên nghiệp hiện nay đã tinh vi hơn rất nhiều, họ có thể mở nhiều tài khoản khác nhau ở nhiều CTCK, đồng thời mua bán nhiều cổ phiếu khác nhau trên cùng một tài khoản thay vì chỉ mua bán một cổ phiếu như trước đây. Quá trình đẩy giá cũng không còn lộ liễu như trước.
Thay vì đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần liên tục, đội lái có thể kéo dài thời gian đẩy giá hơn, giữ cho đồ thị giá cổ phiếu có tăng có giảm, thậm chí tính toán điều phối cung cầu để làm “chệch hướng” các công cụ phân tích kỹ thuật.
Cổ phiếu bị làm giá: Tránh xa hay “ăn theo”?
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, và thậm chí ngay chính các thành viên trong đội lái cũng “kẹt hàng” khi “đu tàu” theo đội lái. Nguyên nhân bởi nhà đầu tư dù dày dặn kinh nghiệm đến đâu cũng khó có thể “đọc” hết được “kịch bản” làm giá của đội lái. Thành viên đội lái thì lại ở trường hợp khác khi những cam kết tham gia “làm giá” cổ phiếu ban đầu không phải lúc nào cũng được mọi thành viên tuân thủ. Và khi đó thì người “phá cam kết” sẽ là người chủ động với tài sản của mình.
“Để tránh mua phải cổ phiếu bị làm giá, điều quan trọng nhất là chế ngự lòng tham!”, giám đốc một CTCK lớn chia sẻ với Người Đồng Hành. Theo vị lãnh đạo này, bất cứ nhà đầu tư nào tham gia trên thị trường chứng khoán đều có “lòng tham”, quan trọng là phải biết chế ngự nó như thế nào và tuân thủ đúng nguyên tắc đầu tư
Nhà đầu tư có thể thấy giá cổ phiếu sụt giảm mạnh vài phiên, rồi thấy lượng cung giảm dần, lượng cầu tăng, giá cổ phiếu thoát sàn, cứ nghĩ là giá đã chạm đáy và đua lệnh để “bắt đáy”. Đây chính là lúc các đội lái “ung dung” thoát hàng.