Nhân viên đăng kiểm bị phản ánh "sách nhiễu" chủ xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam nói gì?
Thời gian vừa qua, nhiều chủ xe, doanh nghiệp đã phản ánh qua đường dây nóng, gửi đơn đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoặc đăng tải lên các mạng xã hội về tình trạng một số cơ sở đăng kiểm xe cơ giới (CSĐK), đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ có thái độ phục vụ không đúng mực.
Một số ý kiến phản ánh đến Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết có tình trạng sách nhiễu, tiêu cực liên quan đến việc tiếp nhận đăng ký kiểm định; từ chối kiểm định xe quá khổ, quá tải; không dán tem kiểm định lên xe và từ chối tiếp nhận hồ sơ miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới.
Cụ thể, theo phản ánh, đăng kiểm viên một số CSĐK nhũng nhiễu, báo hết lỗi này đến lỗi khác, gây khó khăn cho chủ phương tiện và yêu cầu chủ phương tiện đến gara chỉ định để khắc phục, quay trở lại kiểm định mới cho đạt. Bên cạnh đó, nhân viên của CSĐK còn gây khó khăn cho chủ phương tiện và yêu cầu phải bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn còn bảo hiểm thì mới cho xe kiểm định.
Đối với tình trạng trên, ngày 21/4, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi các CSĐK xe cơ giới.
Đến nay mới có 94 CSĐK trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị kiểm tra, sẵn sàng thực hiện kiểm kiểm định ngoài CSĐK. Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các CSĐK còn lại triển khai ngay việc mua sắm dụng cụ đo tốc độ và thực hiện kiểm định ngoài CSĐK theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT khi có đề nghị của người dân và doanh nghiệp.
Văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ: “Những nội dung phản ánh như trên có thể nói đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đăng kiểm, để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm định xe cơ giới”.
Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các CSĐK rà soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Các CSĐK tăng cường tập huấn đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên trong đơn vị, thay đổi căn bản nhận thức theo hướng hoạt động kiểm định là việc cung cấp dịch vụ công và phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tôn chỉ mục tiêu phục vụ.
“Nghiêm cấm các CSĐK, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu trái quy định về trình tự, thủ tục kiểm định. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 4 Điều 40 Nghị định số 168/2024/NĐ-CP và tùy từng mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.
Cục cũng yêu cầu các CSĐK chủ động tổ chức cho chủ phương tiện đăng ký kiểm định theo các hình thức: Đăng ký trực tuyến qua ứng dụng đăng kiểm, đăng ký qua điện thoại, đăng ký trực tiếp (có thể thông qua cấp phát số thứ tự) và các hình thức phù hợp khác nhằm tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đưa phương tiện đến kiểm định.
Đồng thời, các CSĐK dán tem kiểm định theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 17 Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT.
Về việc tiếp nhận hồ sơ miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng về việc một số CSĐK từ chối tiếp nhận hồ sơ miễn kiểm định lần đầu mà không đưa ra lý do chính đáng, gây bức xúc cho chủ phương tiện.
Để khắc phục tình trạng này, Cục đề nghị các CSĐK phải bố trí nhân viên nghiệp vụ chuyên trách thực hiện thủ tục tiếp nhận và cấp miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 40 Nghị định số 168/2024/NĐ-CP.
Dự kiến, từ ngày 24/4/2025, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm phần mềm cấp miễn tại các CSĐK trên cả nước, do đó Cục đề nghị các CSĐK bố trí nhân viên để phối hợp triển khai, thực hiện./.