Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 1
Trong bối cảnh “đếm ngược” 90 ngày đàm phán mức thuế đối ứng với Mỹ, các chính sách của Việt Nam hiện nay cần được xây dựng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, giảm tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế, kinh doanh. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chắc chắn cuộc đàm phán sẽ không thể mang đến kết quả thuế đối ứng bằng 0, nên các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ chịu áp lực lớn phải thay đổi.
Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 2

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc Mỹ áp thuế đối ứng ở mức 10% đối với nền kinh tế và tài chính của Việt Nam?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, mức thuế đối ứng 10% của Mỹ hiện nay là áp chung cho tất cả quốc gia trừ Trung Quốc, không phân biệt tác thương mại lớn hay nhỏ, xuất khẩu nhiều hay ít. Việc Mỹ không áp mức thuế phân biệt theo từng đối tượng – ví dụ như nhóm này 5%, nhóm kia 30% – mà áp đều 10% cho thấy rõ ràng đây không phải là một đòn nhắm riêng vào bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia xuất khẩu nhiều như Việt Nam.

Như vậy, hiện nay, khi mức thuế được áp đồng loạt, thì nó không tạo ra chênh lệch cạnh tranh, tức là áp lực dịch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam sẽ giảm đi. Các nhà đầu tư sẽ đỡ phải “băn khoăn, tính toán chuyện bây giờ đi đâu”, họ có thể yên tâm ở lại Việt Nam vì không phải chịu rủi ro chính sách phân biệt.

Một vấn đề cũng quan trọng không kém là gánh nặng thuế đối ứng 10% này không chỉ mình nhà sản xuất chịu. Mức thuế sẽ được chia sẻ giữa các bên: nhà đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà phân phối, thậm chí người tiêu dùng Mỹ cũng phải gánh một phần. Do đó, tác động lên hoạt động sản xuất - kinh doanh là có, nhưng không nghiêm trọng như những mức thuế theo tuyên bố trước đó.

Tuy nhiên, dù mức thuế là 10% không cao nhưng nhiều khả năng vẫn được Mỹ duy trì, hơn nữa kết quả đàm phán chắc chắn không thể có kết quả về mức thuế bằng 0, nên đây vẫn là một rào cản. Các đơn hàng có thể giảm, sản lượng tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, mức thuế này khiến các quốc gia – trong đó có Việt Nam – phải tính đến việc tái cấu trúc nền kinh tế cũng như thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm và khu vực tiêu thụ.

Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 3

Phóng viên: Trong bối cảnh đó, theo ông, Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội nào để chuyển hóa khó khăn thành lợi thế?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đúng là khi Mỹ áp thuế đồng đều như vậy, rủi ro bị loại trừ khỏi chuỗi cung ứng sẽ giảm, nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta cứ đứng yên. Ngược lại, đây là thời điểm tốt để Việt Nam thể hiện khả năng linh hoạt trong chiến lược kinh tế.

Cơ hội đầu tiên là từ việc dịch chuyển đơn hàng, sản xuất và tiêu dùng sang các thị trường khác ngoài Mỹ. Khi hàng hóa vào Mỹ gặp rào cản thuế, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuyển hướng tìm kiếm thị trường mới, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký như Hiệp định CPTPP, EVFTA để rộng cửa xuất khẩu.

Hơn nữa, đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp trong nước cơ cấu lại mặt hàng. Những sản phẩm nào bị áp thuế hoặc có sức cạnh tranh yếu thì cần điều chỉnh, thay đổi cấu trúc, đầu tư công nghệ, gia tăng giá trị nội tại thay vì tiếp tục phụ thuộc vào lợi thế giá rẻ.

Cuối cùng, bản thân các nhà đầu tư quốc tế cũng đang “yên tâm” hơn vì mức thuế được áp dụng đều. Họ sẽ không còn bị thôi thúc phải dịch chuyển địa bàn như trước. Đây chính là điểm giúp Việt Nam có thể giữ chân, thậm chí thu hút thêm FDI nếu cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư.

Nguồn: Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024 của Đại học Kinh tế quốc dân.
Nguồn: Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024 của Đại học Kinh tế quốc dân.
Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 4

Phóng viên: Chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam cần phản ứng ra sao để ứng phó hiệu quả với cả áp lực thuế quan và những biến động thương mại, chính trị toàn cầu, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Rõ ràng là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào một kênh điều hành duy nhất. Về tài khóa, vai trò “chủ công” phải được xác định rõ ràng. Chính sách tài khóa cần đi đầu, không chỉ ở việc hỗ trợ doanh nghiệp mà còn ở khía cạnh đầu tư công.

Chẳng hạn mới đây, Chính phủ đã tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% và có thể đề xuất giảm tiếp trong nửa cuối năm 2025 và sang năm 2026. Đây là một động thái rất đúng để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần linh hoạt hơn ở thời điểm và mức độ của những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, hoãn nghĩa vụ thuế, phí, hay thậm chí có thể tính đến những ưu đãi đặc thù cho những ngành chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động thương mại. Việc này nhằm tạo môi trường thực sự hoà hợp hơn, hài hoà hơn, cho các doanh nghiệp có được nguồn lực để trụ vững.

Bên cạnh đó, đầu tư công cần được tăng cường và định hướng rõ ràng hơn. Động lực tăng trưởng cần dựa vào đầu tư công, thực tế là chúng ta cũng đã đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công lớn hơn năm trước. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư không chỉ đổ vốn vào hạ tầng chung, mua sắm của Chính phủ thông thường, mà phải hướng đến tạo thị trường cho khu vực doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, hiện chúng ta có các dự án lớn như đường sắt, giao thông đô thị, công nghiệp… thì có thể đặt hàng các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, qua đó tạo công ăn việc làm, đầu ra cho sản phẩm và tạo nguồn lực cho tăng trưởng nội địa.

Về chính sách tiền tệ, hiện nay dư địa giảm lãi suất là rất hẹp. Nếu chúng ta hạ lãi suất quá mức trong khi tỷ giá đang chịu áp lực từ biến động thương mại, lạm phát toàn cầu và dòng vốn nước ngoài chững lại, thì sẽ có rủi ro rất lớn về tỷ giá và an toàn tài chính.

Do đó, chính sách tiền tệ giai đoạn này phải tập trung giữ ổn định tỷ giá và kiểm soát dòng tiền hơn là “chạy theo” mục tiêu kích cầu bằng mọi giá. Tín dụng cần chọn lọc, điều tiết dòng vốn vào đúng những khu vực có tiềm năng phục hồi thực sự như sản xuất nội địa, bất động sản nhà ở – nhưng cũng tránh gây bong bóng.

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai trụ cột chính sách vĩ mô. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chính sách tiền tệ bị hạn chế nhiều mặt – cả về tỷ giá, lãi suất cũng như khả năng nới lỏng cung tiền. Do đó, chính sách tài khóa phải được coi là chính sách “chủ công”.

Nguồn: Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024 của Đại học Kinh tế quốc dân.
Nguồn: Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2024 của Đại học Kinh tế quốc dân.

Phóng viên: Sử dụng chính sách tài khoá có thể ảnh hưởng tới việc thu – chi của ngân sách, nên theo ông, cần giải quyết vấn đề này ra sao?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thì nguồn thu sẽ giảm đi và nguồn đầu tư công phải tăng lên. Tăng lên như vậy thì có thể phải tăng nợ công.

Ngoài ra, hiện cả nước đang thực hiện công cuộc tinh giản bộ máy, sát nhập các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như các địa phương. Về trước mắt, việc này có thể phải sử dụng nguồn lực chi ngân sách nhiều hơn, nhưng phải lấy từ quỹ cải cách tiền lương, hoặc phải tái cấu trúc các khoản chi thường xuyên khác vì bộ máy, nhân lực đã giảm hơn. Về lâu dài, những cải cách này sẽ mang đến nhiều lợi ích, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Một vấn đề khác là trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động thì việc thu thuế xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng. Nên chúng ta phải cân nhắc rất kỹ lộ trình giảm thuế với từng mặt hàng trong các FTA, nhất là với những ngành có khả năng bị ảnh hưởng, bởi nếu thuế nhập khẩu giảm thì cạnh tranh của sản xuất trong nước cao, làm giảm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và các sắc thuế khác trong nước.

Phóng viên: Ông có những khuyến nghị nào mang tính tổng thể cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi có ba nhóm khuyến nghị lớn:

Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 5

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 6
Vai trò “chủ công” của chính sách tài khoá trước áp lực thuế quan - Ảnh 7

 

07:39 19/04/2025