Vấn đề từ lý luận đến thực tiễn tác động đến hoàn thiện Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Sửa đổi)
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 có hiệu lực hơn 15 năm, với những thay đổi và điều chỉnh trong các năm 2013, 2014, 2020, 2022 và 2023 do việc điều chỉnh một số khía cạnh liên quan đến các đạo luật chuyên ngành. Đến nay, để phù hợp hơn với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần tiếp tục được sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại và bất cập trong quản lý thuế thời gian qua.
Đặt vấn đề
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước thay đổi to lớn, làm tiền đề chuyển sang kỷ nguyên mới. Cụ thể, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Bối cảnh đó, không thể không đặt ra yêu cầu và đòi hỏi về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 để kịp thời đáp ứng tình hình mới.
Một số yếu tố lý luận và thực tiễn
Thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc chi trả các dịch vụ quản lý công và trách nhiệm vật chất với xã hội, cũng như đảm bảo sự công bằng tự nhiên của xã hội. Thực tiễn khách quan đã chỉ ra rằng, sau khi bước vào thời kỳ đổi mới, cụ thể là từ Nghị quyết Đại hội Đảng VI (1986), nền kinh tế đã từng bước loại bỏ dần các yếu tố của một nền kinh tế kế hoạch hóa và hình thành các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng Chủ nghĩa xã hội, trong đó quyền tự do kinh doanh đã được khởi xướng và hiện thực hóa dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Sự công nhận đó đã dẫn tới hình thành một môi trường đầu tư – kinh doanh lý tưởng và thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hình thành và phát triển, kịp thời giải phóng năng lực sản xuất, khơi thông các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Cùng với đó, Nhà nước không ngừng tích cực huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư vào “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm” nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa không chỉ trong nước mà trên cả bình diện quốc tế.
Việc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được phát triển trong một môi trường thuận lợi như vậy không phải là ngẫu nhiên mà là do sự đóng góp từ phía Nhà nước, xã hội và toàn dân. Doanh nghiệp không thể phát triển nếu không có cơ sở hạ tầng tốt, chính sách thông thoáng, sự mở cửa với các thị trường tiêu thụ lớn ở nước ngoài, cũng như nguồn lao động có chất lượng được đào tạo tốt và tinh thông tay nghề. Xét theo các nguyên lý của nền kinh tế thị trường, mọi sự đóng góp đều phải được trả công xứng đáng, thì việc doanh nghiệp hoàn trả lại một phần lợi nhuận của mình để bù đắp vào những khoản chi phí mà toàn dân đã đóng góp là hoàn toàn có cơ sở. Đó không phải là sự đòi hỏi một chiều từ phía Nhà nước mà là yêu cầu khách quan, có đi có lại mang bản chất tự nhiên của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các khoản đóng góp của doanh nghiệp không chỉ chi trả cho các khoản đầu tư trong quá khứ mà còn chi trả cho các khoản trong tương lai. Việc tái đầu tư của mỗi doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong các hoạt động nội bộ mà còn phải thực hiện trên bình diện rộng lớn hơn là toàn xã hội, thông qua việc ủy nhiệm của Nhà nước đại diện thực hiện. Mặc dù, Nhà nước có trực tiếp thực hiện một số hoạt động mang chức năng kinh tế, nhưng chủ thể chính của nền kinh tế thị trường là doanh nghiệp, thông qua việc khai thác tư liệu sản xuất, các nguồn tài nguyên và cơ hội của Đất nước. Xét về bản chất, đây là một biểu hiện cụ thể của sự phân công lao động và chuyên môn hóa trong xã hội. Do đó, việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là nghĩa vụ một chiều mà là sự “chi trả” cho các dịch vụ mà Nhà nước đã đại diện toàn dân cung cấp cho chính doanh nghiệp trong quá khứ, ở hiện tại và tương lai.
Nhà nước càng tăng cường các hoạt động đầu tư vào xã hội, thì nhu cầu sử dụng vốn càng tăng và hệ quả là mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp càng phải có sự đóng góp tương xứng với mức độ đầu tư đó. Thuế thu nhập doanh nghiệp còn giúp phân phối lại cơ hội và tài nguyên một cách công bằng hơn trong xã hội, giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, các địa phương khác nhau.
Mức độ đóng góp, mức độ sử dụng các dịch vụ xã hội là những cơ sở để đặt ra các mức thuế suất khác nhau. Một số lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế có sự đóng góp lớn cho xã hội, nên mặc dù có lợi nhuận, nhưng Nhà nước cần có hoàn trả lại cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này bằng hình thức ưu đãi về thuế suất. Đối với một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, chế biến thô, cần thiết phải thiết lập mức thuế suất cao bởi những doanh nghiệp trong lĩnh vực này có ít đóng góp cho xã hội, thậm chí còn khai thác tài nguyên của Đất nước.
Nguồn thu nhập quan trọng đối với ngân sách nhà nước
Thực tế hiện nay, thuế thu nhập là nguồn thu nhập quan trọng đối với ngân sách nhà nước. Để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình, Nhà nước cần có nguồn thu để đảm bảo tính liên tục, ổn định của quá trình vận hành. Do đó, Nhà nước cần có quyền trích một phần trong lợi nhuận mà các chủ thể của nền kinh tế có được để sử dụng cho mình. Thuế thu nhập nói chung, thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng là những cấu phần quan trọng trong tổng nguồn thu đó. Xét theo tỷ trọng so với GDP, quy mô thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp không tính dầu thô, bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,3%, giai đoạn 2016-2020 là 2,9% và giai đoạn 2021-2023 là 3,1% GDP. Nếu tính cả thuế thu nhập doanh nghiệp từ dầu thô thì giai đoạn 2011-2015 là 4,68%, giai đoạn 2016-2020 là 3,38% và giai đoạn 2021-2023 là 3,62%.
Trong số các nguồn thu của ngân sách nhà nước, nguồn thu từ thuế thu nhập có tính ổn định cao, gián tiếp đảm bảo khả năng vận hành ổn định của bộ máy Nhà nước và các hoạt động đầu tư công. Thực chất, việc Nhà nước sử dụng ngân sách để phục vụ bộ máy cũng là để phục vụ lợi ích của toàn dân, của các doanh nghiệp, nên nguồn thu ngân sách nhà nước từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là cơ sở để đảm bảo cho hoạt động của xã hội, của doanh nghiệp.
Công cụ điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô
Thuế không chỉ là nguồn thu của ngân sách nhà nước mà còn là công cụ điều tiết chính sách vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế. Thông qua công cụ thuế, Nhà nước thể hiện một cách rõ ràng các định hướng về phát triển ngành, lĩnh vực và địa bàn thông qua các nội dung về ưu đãi đầu tư, mức thuế suất và chính sách quản lý thuế khác.
Để huy động nguồn lực doanh nghiệp, tăng mức độ và khả năng vốn doanh nghiệp đầu tư vào nền kinh tế, trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông qua các lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm từ 28% (trước năm 2009) xuống 25% (từ ngày 01/01/2009), xuống 22% (từ ngày 01/01/2013) và xuống 20% (từ ngày 01/01/2016); riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất 20% ngay từ ngày 01/7/2013. Thực tế đã chỉ ra rằng, cùng với các biện pháp chính sách khác, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như trên đã là một phần quan trọng trong việc tạo nền những bước phát triển đột phá của nền kinh tế trong thời gian qua.
Mức thuế suất hấp dẫn không chỉ kích thích sự gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nội địa mà còn giúp cho doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn vốn tích lũy nhằm tái đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Mặc dù, giảm thuế sẽ giảm nguồn thu trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn và tổng thể nền kinh tế, việc thiết lập mức thuế suất hợp lý sẽ làm tăng tổng thu nhập của nền kinh tế. Một mức thuế thu nhập hợp lý và hài hòa còn là sự kích thích đối với tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư để tìm kiếm và có khả năng đạt được một khoảng biên lợi nhuận kỳ vọng. Việc tìm kiếm một mức thuế suất hợp lý, hài hòa giữa nhu cầu thu ngân sách của Nhà nước và nhu cầu giữ lại lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào tình hình qua từng thời kỳ và Nhà nước giữ quyền hạn điều chỉnh đó như một công cụ chính xác kinh tế vĩ mô để điều hành nền kinh tế theo định hướng đã đề ra.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng dự Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi cần được đánh giá và thẩm tra một cách có hệ thống và khoa học về mức thuế suất để đảm bảo giữa mục tiêu tăng thu ngân sách với sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong việc đầu tư, mở rộng đầu tư.
Nền kinh tế phát triển xuất hiện nhiều nguồn thu nhập mới
Hiện nay, ngày càng xuất hiện những lĩnh vực kinh doanh mới, nguồn thu nhập mới cho doanh nghiệp, như các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ, kinh tế số, thương mại điện tử. Việc hình thành những cộng đồng doanh nghiệp mới, chuyên doanh trong các lĩnh vực kinh doanh mới, tạo nên sự sôi động cho nền kinh tế, gia tăng tổng nguồn vốn đầu tư xã hội và tăng thu nhập xã hội.
Tuy nhiên, các tiêu chí tính thuế và mức thuế suất áp dụng đối với các lĩnh vực kinh doanh mới và nguồn thu nhập mới đòi hỏi có sự thay đổi bởi việc áp dụng các mô hình quản lý thuế đang áp dụng đối với các lĩnh vực kinh doanh truyền thống có thể không phù hợp. Điều này đặt ra yêu cầu về việc bổ sung các quy định mới trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi liên quan đến cách thức quản lý thuế cho một số lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng đặc thù của nền kinh tế đương đại.
Nhiều thách thức mới đối với quản lý Nhà nước
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức mới đối với quản lý nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers (PwC), công nghệ AI có thể làm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 14% (tương đương 15,7 nghìn tỷ USD) vào năm 2030. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ cũng làm gia tăng các yếu tố sản xuất - kinh doanh, kéo theo tăng thu nhập và dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng dân cư, tăng đầu tư cho cả nền kinh tế và tăng năng suất lao động. Tuy vậy, vấn đề của các lĩnh vực kinh doanh mới có tính đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 là tính vô hình, xuyên biên giới và khó kiểm soát về mặt chủ thể kinh doanh. Vấn đề này khiến các cách thức quản lý thuế hiện hành của Việt Nam rất khó thích ứng với tình hình mới nên có khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo kẻ hở cho những đối tượng có hành vi gian lận thuế, trốn thuế hoặc thực hiện các hành vi gây xói mòn thuế.
Cùng với sự phát triển của Internet, sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hình thức xuyên biên giới (như các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, mạng xã hội) đã dẫn tới nguồn thu nhập hình thành từ thị trường Việt Nam nhưng dòng tiền chạy thẳng sang lãnh thổ một Quốc gia khác. Điều này khiến Chính phủ Việt Nam khó quản lý và thu thuế đối với các nguồn thu nhập đó. Do vậy, cần có những quy định mới, có tính đồng bộ hơn với các đạo luật chuyên ngành như Luật An ninh mạng, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật quản lý thuế để đảm bảo xây dựng và quản trị tốt những phương thức quản lý thuế dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, việc tận dụng các công nghệ mới như Bigdata, AI và hoạt động quản lý thuế đòi hỏi có một khuôn khổ và hàng lang pháp lý để đảm bảo huy động sự tham gia của đối tượng nộp thuế và các chủ thể khác, như tổ chức tín dụng, các sản thương mại điện tử xuyên biến giới, các đơn vị trung gian thanh toán… vào các hoạt động quản lý thuế trên một nền tảng thống nhất. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành mới sơ khởi một số quy định về yêu cầu quản lý nhưng chưa thực sự trở thành một công cụ vững chắc để cơ quan quản lý thuế thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là đòi hỏi của thực tiễn; cần được thực hiện một cách phù hợp để phản ánh được hơi thở của thời đại, của kỉ nguyên vươn mình của Đất nước và khắc phục được một số tồn tại, bất cập về quản lý thuế trong thời gian qua.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2008), Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp;
- Quốc hội (2029), Luật Quản lý thuế;
- Chính phủ (2024), Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).