Vốn ra thị trường: Càng đẩy càng khó

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Dù đã nỗ lực đẩy vốn ra thị trường nhưng kết quả của nhiều ngân hàng đạt được không bao nhiêu.

Vốn ra thị trường: Càng đẩy càng khó
Nhiều ngân hàng đều thừa nhận rằng việc giải ngân vốn thời gian qua vẫn còn gặp khó khăn. Nguồn: internet
Để góp phần, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), từ năm 2012 đến nay, các ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động thông qua các kênh như: đối thoại DN - chính quyền thành phố, phối hợp các sở ban ngành, hiệp hội, Uỷ ban nhân dân quận huyện, khu công nghiệp để đối thoại, trà lời những vướng mắc trực tiếp cho DN... Thậm chí, các ngân hàng đã thực hiện cả phương án cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho DN.

Đây là chương trình đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất vốn vay... Tính đến thời điểm 10/10, theo số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại (NHTM), riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hỗ trợ khó khăn DN thông qua cơ cấu lại thời gian trả nợ và giảm lãi suất vốn vay đã đạt 267.860 tỷ đồng với 62.599 khách hàng.

Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2012, dư nợ theo Quyết định 780 tăng 21,7%, với số lượng khách hàng được hưởng cơ chế này tăng thêm 1.745 khách hàng; các khoản nợ cũ đã được điều chỉnh về mức dưới 13% với dư nợ là 161.834 tỷ đồng và 56.317 khách hàng được hưởng cơ chế này. Hiện nay, dư nợ dưới 13% trên địa bàn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn...

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đều thừa nhận rằng việc giải ngân vốn thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Lý do vì các DN đang bế tắc đầu ra sản phẩm nên nhu cầu về tín dụng còn hạn chế. Đồng thời, phương án sản xuất kinh doanh của DN hiệu quả chưa cao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của NHTM.

Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến 31/10, tổng dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh đạt 902.500 tỷ đồng, chỉ tăng 0,92% so với tháng 9, tăng 5,5% so với cuối năm 2012 và 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh việc ngại vay của DN, tình hình nợ xấu tăng cao và phát sinh hằng tháng cũng khiến các NHTM gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. PGBank là điển hình khi tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2013 chiếm đến 9,5% tổng dư nợ (tương đương 1.200 tỷ đồng).

Đặc biệt hơn, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 - phải trích lập 100% dự phòng) của ngân hàng này chiếm hơn phân nửa. Chính nợ xấu tăng cao, nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm phần lớn trong tổng nợ xấu đã khiến khoản lợi nhuận đạt được 9 tháng qua của ngân hàng này sụt giảm mạnh.

Cụ thể, tổng lợi nhuận thuần từ kinh doanh trước dự phòng rủi ro của PGBank 9 tháng đầu năm nay là 246,5 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ chi phí dự phòng, chỉ còn hơn 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tương tự, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của Navibank giảm gần 90%.Thậm chí, trong quý II/2013 vừa qua, Navibank còn báo lỗ đến hơn 11 tỷ đồng.

Trong khi, chỉ tiêu lợi nhuận mà Navibank dự kiến sẽ đạt 120 tỷ đồng trong năm nay, nhưng khả năng để hoàn thành được 20% kế hoạch lợi nhuận là không dễ.

Trên thực tế, con số nợ xấu không chỉ tồn tại ở những ngân hàng nhỏ mà gần như tồn tại trên toàn hệ thống. Lấy số liệu của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến 30/9, nợ xấu trên địa bàn ở mức 54.413 tỷ đồng, chiếm 6,08 % tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, nợ nhóm 5 (khả năng mất vốn) chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng nợ xấu, chiếm 70,1%. So với cuối năm 2012 nợ xấu chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh tăng 7.280 tỷ đồng, tương ứng tăng 15.4%. Có thể, từ tháng 10/2013, một số ngân hàng đã bắt đầu thực hiện mua-bán nợ xấu thông qua VAMC.

Trong đó, NHTM SCB bán 1.700 tỷ đồng nợ xấu, NHTM Phương Nam bán 200 tỷ đồng... nhưng mọi việc mới chỉ dừng lại ở lý thuyết, còn trên thực tế, các khoản nợ vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể.

Rõ ràng, các con số thống kê đang chứng minh hầu hết các ngân hàng đều khó tăng trưởng tín dụng, thậm chí nó còn cho thấy rất ít ngân hàng thoát được tình trạng tín dụng âm. Bởi một phần các DN còn quá khó khăn để tiếp cận gói tín dụng mới, mặt khác khả năng kiểm soát nợ xấu trong bối cảnh hiện nay buộc ngân hàng cho vay ra phải hết sức thận trọng.

Từ đó, khi nhận xét về bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm nay, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, rất khó để kỳ vọng lợi nhuận trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, tín dụng khó khăn và các ngân hàng này lại trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN.

Đồng quan điểm, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, nói rằng, dù có thế mạnh về tài trợ vốn cho DN lĩnh vực xuất, nhập khẩu, nhưng trong tình hình khó khăn chung, tín dụng Eximbank chỉ đạt 8% trong 3 quý đầu năm nay so với kế hoạch cả năm là 15%.

Song song đó, nợ xấu của Eximbank đến cuối quý III cũng lên xấp xỉ 2%. Vậy mới thấy, ngay cả những ngân hàng mạnh như Eximbank cũng đang gặp rất nhiều vấn đề trong tăng trưởng tín dụng.

Chưa kể, nợ xấu tăng cao khiến ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng rủi ro 3 quý đầu năm. Vì thế, theo lãnh đạo của ngân hàng này, năm nay Eximbank chỉ kỳ vọng hoàn thành được 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.