Ba giải pháp chuyển hóa khuyến nghị thành hành động xây dựng Trung tâm tài chính
Việt Nam sẽ thành công trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính, đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, khu vực cũng như thế giới.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Hội nghị "Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam" do Bộ Tài chính và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 28/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá rằng các ý kiến đều tập trung nhấn mạnh ba trụ cột cốt lõi để phát triển Trung tâm tài chính: cải cách thể chế - đầu tư hạ tầng - phát triển nhân lực chất lượng cao. Nhiều đại biểu khẳng định Việt Nam đang đứng trước "cửa sổ cơ hội vàng" để trở thành nơi hội tụ dòng vốn, công nghệ và nhân tài tài chính toàn cầu.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các đại biểu, Việt Nam sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong mạng lưới các trung tâm tài chính toàn cầu.
Kết quả này sẽ giúp Việt Nam gia tăng kết nối với thị trường tài chính quốc tế, thu hút các định chế tài chính nước ngoài, khơi thông dòng vốn đầu tư, nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn quốc tế, phát triển thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao vị thế quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính từ sớm, từ xa.
Bộ trưởng đặc biệt trân trọng những đề xuất thiết thực và chất lượng của các chuyên gia, từ kinh nghiệm xây dựng hạ tầng tài chính hiện đại đến các mô hình quản trị tài chính xanh, tài sản ảo, tài chính số và cơ chế thu hút chuyên gia toàn cầu.
Để chuyển hóa các khuyến nghị trên thành hành động cụ thể, Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đề nghị các đại biểu tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung, cũng như TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng nói riêng, trong quá trình xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính. Việt Nam cần phát huy "đột phá của đột phá" về thể chế phát triển Trung tâm tài chính thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ và kết nối cụ thể.
Thứ hai, mong muốn tiếp tục nhận được các khuyến nghị chính sách, cả trong và ngoài khuôn khổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, dựa trên kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính quốc tế đã thành công, nhằm giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển.
Thứ ba, đề xuất cơ hội và hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư để phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam trong các lĩnh vực: phát triển hạ tầng tài chính hiện đại (thanh toán, lưu ký, giao dịch); thu hút và phát triển nhân lực tài chính chất lượng cao; đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tài chính xanh, fintech, tài sản kỹ thuật số; hợp tác áp dụng chuẩn mực tài chính quốc tế; và tăng cường giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính.
"Từ kết quả của Hội nghị hôm nay, tôi cảm nhận rõ một tinh thần thống nhất, khát vọng mãnh liệt và sự sẵn sàng hành động của các quý vị trong quyết tâm đưa Việt Nam không chỉ trở thành một điểm đến đầu tư mà còn là một ‘mắt xích’ quan trọng trong mạng lưới tài chính toàn cầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần đồng lòng và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng Việt Nam sẽ thành công trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính, đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, khu vực cũng như thế giới.
Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan chủ trì, cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế để hoàn thiện Nghị quyết trình Quốc hội, thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhằm đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính tại Việt Nam.