TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực môi trường

Đức Mỹ

UBND TP. Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển nhóm ngành nguy cơ gây ô nhiễm, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Tập huấn phân loại rác

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm Trường đoàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) ngày 24/7, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (sau hợp nhất) đạt khoảng 14.000 tấn/ngày.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh báo cáo công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh báo cáo công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh (trước hợp nhất) khoảng 10.500 tấn/ngày, khu vực Bình Dương khoảng 2.400 tấn/ngày; Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 1.100 tấn/ngày.

Với CTRSH được thu gom, vận chuyển xử lý đạt gần 99%, trong đó tỷ lệ xử lý bằng công nghệ đốt, tái chế đạt khoảng 40%; còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh.

Đến nay, Thành phố có 4 khu xử lý chất thải tập trung đang hoạt động với tổng diện tích hơn 1.672 ha, gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc 822ha, khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước 813,88 ha; khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương 100 ha; khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên 137 ha.

Theo Sở NNMT, công tác phân loại CTRSH tại nguồn trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn cho các sở, ban ngành, hội đoàn thể và UBND cấp huyện (trước hợp nhất) và cấp xã tổ chức thực hiện phân loại.  

Qua thực tế triển khai, việc phân loại tại nguồn còn nhiều khó khăn và cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật giữa các khâu thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý đối với các loại chất thải sau phân loại, trong đó việc đồng bộ ứng dụng công nghệ xử lý đầu cuối có vai trò rất quan trọng.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cấp công nghệ xử lý, xây dựng đề án thực hiện phân loại chất thải tại nguồn cho phù hợp. Ảnh: TL
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cấp công nghệ xử lý, xây dựng đề án thực hiện phân loại chất thải tại nguồn cho phù hợp. Ảnh: TL

Vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, trung chuyển và định hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cấp công nghệ xử lý để xây dựng đề án thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cho phù hợp.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý CTRSH cũng còn một số tồn tại và khó khăn, đó là: Việc cải tạo, nâng cấp trạm trung chuyển CTRSH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa phù hợp với quy hoạch, quy trình thu gom của địa phương nên cần thời gian cho công tác dự toán và bố trí kinh phí thực hiện.

Việc thu gom, vận chuyển CTRSH đang thực hiện theo cơ chế đấu thầu, tuy nhiên nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển có nhân lực và năng lực tài chính hạn chế, nhất là lực lượng thu gom rác thải dân lập từ hộ gia đình, cá nhân…

Bên cạnh đó, với quy mô là trung tâm đô thị và công nghiệp của cả nước thì số lượng công chức, viên chức trong lĩnh vực môi trường vẫn chưa tương xứng với khối lượng công việc môi trường ngày càng tăng trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, nguồn kinh phí phát triển BVMT chưa tạo được sự đột phá trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng thoát nước; xử lý nước thải đô thị, thu gom, vận chuyển CTRSH trong các đô thị, dẫn đến tỷ lệ xử lý nước thải và CTRSH chưa đạt như kỳ vọng.

TP. Hồ Chí Minh triển khai các chương trình, đề án, dự án dài hạn và huy động các nguồn lực thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ảnh: TL
TP. Hồ Chí Minh triển khai các chương trình, đề án, dự án dài hạn và huy động các nguồn lực thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ảnh: TL

Đại diện Sở NNMT TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, thời gian tới, Thành phố đang chủ động xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án có định hướng dài hạn và huy động các nguồn lực thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược và Quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia.

Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm.

Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, tăng cường công tác hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO-14000, sản xuất sạch hơn, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tập trung di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực xử lý và BVMT…

Bảo vệ sức khỏe của người dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả TP. Hồ Chí Minh đạt được trong công tác BVMT.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố chủ động nghiên cứu, khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao kết quả TP. Hồ Chí Minh đạt được trong công tác xử  lý và bảo vệ môi trường. Ảnh: TL
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao kết quả TP. Hồ Chí Minh đạt được trong công tác xử  lý và bảo vệ môi trường. Ảnh: TL

Đẩy mạnh công tác quy hoạch và huy động mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Cùng lúc, Thành phố cần có lộ trình xử lý các vấn đề môi trường như: Ô nhiễm không khí, xử lý rác thải, bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ sức khỏe người dân Thành phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng đề nghị Thành phố cần quan tâm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực môi trường nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý và BVMT từ cấp tỉnh tới cấp phường xã, đặc khu; xác định rõ trách nhiệm và chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị xã hội.

Đặc biệt, Thành phố cần nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào lĩnh vực môi trường, tăng cường năng lực cảnh báo ô nhiễm môi trường và hợp tác quốc tế về BVMT, phát triển Thành phố xanh, sạch….

TP. Hồ Chí Minh tập trung di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: TL
TP. Hồ Chí Minh tập trung di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: TL

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, là đầu tàu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng phát triển kinh tế xanh tuần hoàn; tận dụng hiệu quả những thế mạnh sẵn có về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển của Thành phố và cả nước.

 

Đối với công tác quản lý một số loại chất thải đặc thù, TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu thực hiện, triển khai giai đoạn 1 về nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng như: Xe buýt, taxi, mô tô công nghệ và xe phi cơ giới sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2, Thành phố tiếp tục xem xét đến loại chất thải đặc thù như pin xe điện, chất thải nguy hại, phế liệu từ các thành phần chất thải ra môi trường, chưa thực sự được bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.