Đảm bảo chất lượng Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025: Vai trò then chốt của công tác giám sát, kiểm tra
Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) là một trong những cuộc điều tra thống kê có quy mô lớn và tầm quan trọng chiến lược, vì vậy công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra, phúc tra có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và tin cậy của thông tin thu thập.
Theo đó, mọi giai đoạn từ công tác lập bảng kê, tập huấn, thu thập dữ liệu đến tổng hợp nhanh kết quả… đều cần được kiểm tra, giám sát sát sao để tránh rủi ro sai lệch, thiếu thống nhất gây lãng phí nguồn lực.
Tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương
Trong TĐTNN 2025, hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra được tổ chức theo nhiều tầng, có tính bao quát và xuyên suốt từ trung ương đến tận cấp xã. Ở cấp trung ương, lực lượng đảm nhận nhiệm vụ này bao gồm các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực và giám sát viên (GSV) trung ương.
Tại địa phương, trách nhiệm này được giao cho Ban Chỉ đạo các cấp, Tổ thường trực tỉnh, huyện, xã và GSV tương ứng từng cấp. Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra, phúc tra giúp đảm bảo toàn bộ hệ thống điều tra luôn nằm trong tầm kiểm soát về tiến độ và chất lượng thông tin thu thập.

Không dừng lại ở tổ chức lực lượng, nội dung kiểm tra cũng được xây dựng kỹ lưỡng, bao phủ tất cả các mắt xích trong quá trình điều tra. Điều này bao gồm kiểm tra việc lập bảng kê đúng quy trình, giám sát tổ chức và chất lượng các lớp tập huấn, đánh giá kỹ năng và cách hỏi của điều tra viên (ĐTV), cũng như kiểm tra tính logic giữa các chỉ tiêu trong phiếu hỏi, đơn vị tính, mã hóa và đối chiếu dữ liệu thực tế với thông tin khai báo. Hoạt động này không chỉ giúp kịp thời phát hiện sai sót mà còn góp phần nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ điều tra viên tại cơ sở.
Một điểm mới đáng chú ý trong TĐTNN 2025 là việc kết hợp nhiều hình thức kiểm tra: Từ kiểm tra chéo giữa các địa phương đến giám sát theo kế hoạch, thanh tra độc lập và cả những cuộc kiểm tra đột xuất, không báo trước. Cấp trên có quyền kiểm tra hoạt động của cấp dưới một cách điển hình để phát hiện các điểm nghẽn hoặc hành vi vi phạm, từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra sai sót có hệ thống hoặc lan rộng.
Phúc tra - Giai đoạn then chốt đánh giá chất lượng điều tra
Sau giai đoạn thu thập thông tin, Ban Chỉ đạo trung ương sẽ chỉ đạo triển khai hoạt động phúc tra tại một số tỉnh, thành phố được chọn mẫu. Đây là bước đánh giá lại chất lượng phiếu điều tra thông qua phỏng vấn trực tiếp các hộ dân đã tham gia điều tra, kết hợp với quan sát thực địa. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả để xác minh độ trung thực của thông tin được khai báo, nhất là trong các nội dung dễ bị sai lệch như diện tích đất sản xuất, nguồn thu nhập hoặc sử dụng tài sản.
Công tác phúc tra được tổ chức theo Quy trình phúc tra riêng do Ban Chỉ đạo trung ương xây dựng, thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp trong kiểm định chất lượng dữ liệu.
Kết thúc quá trình điều tra, tất cả các phiếu thu thập đều phải trải qua ba cấp nghiệm thu, được thực hiện theo đúng quy trình.
Trước tiên là tổ trưởng nghiệm thu phiếu điều tra của điều tra viên nhằm đảm bảo phiếu đầy đủ, đúng tiến độ. Tiếp theo là Ban Chỉ đạo cấp xã nghiệm thu phiếu của tổ trưởng để xác nhận lại thông tin tại địa bàn quản lý. Cuối cùng, Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp tỉnh tiến hành nghiệm thu lại phiếu điều tra của cấp dưới để đánh giá toàn diện về chất lượng và khối lượng điều tra trước khi chuyển lên trung ương. Mỗi lần nghiệm thu đều lập biên bản và các bên tham gia phải ký xác nhận, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả đã được duyệt.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cuộc điều tra thống kê lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong 10 năm trở lại đây. Việc triển khai một hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện và phúc tra độc lập không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ, mà còn là cam kết mạnh mẽ của ngành Thống kê về chất lượng thông tin, sự minh bạch và hiệu quả của hoạt động điều tra.
Sự kỹ lưỡng và bài bản trong hoạt động kiểm tra, giám sát TĐTNN 2025 sẽ là “bệ đỡ” chắc chắn cho những dữ liệu thông tin thu thập về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây sẽ là nền tảng quan trọng phục vụ hoạch định chính sách nông nghiệp, phát triển nông thôn và cải thiện đời sống người dân trong giai đoạn tới.
Lực lượng điều tra, kiểm tra, giám sát TĐTNN 2025
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 đã huy động một lực lượng lớn các điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên các cấp nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và tin cậy của thông tin thu thập, bao gồm:
- - Tổng số điều tra viên: 122.048 người
- - Tổ trưởng: 8.147 người
- - Giám sát viên cấp Trung ương: 244 người
- - Giám sát viên cấp tỉnh: 1.691 người
- - Giám sát viên cấp cơ sở: 3.162 người