Đẩy mạnh ứng dụng AI - động lực then chốt xây dựng hệ thống y tế thông minh
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế nhằm khám phá và phát huy tối đa tiềm năng, hiệu quả của chuyển đổi số trong việc chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng quản lý hệ thống y tế thông minh.
Nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân
Đánh giá tác động của công nghệ AI đối với lĩnh vực y tế, tại Hội nghị quốc tế Trí tuệ nhân tạo trong Y tế - AI in Health Conference 2025 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế Thành phố luôn xác định trí tuệ nhân tạo AI là một trong những động lực then chốt để xây dựng hệ thống y tế thông minh, hiện đại, hướng đến phục vụ, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thực tế cho thấy, công nghệ AI đã và đang thay đổi phương thức vận hành trong lĩnh vực y tế, từ hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, phân tích hình ảnh y học, tầm soát sớm bệnh lý, cá thể hóa điều trị cho đến nâng cao quản lý quản trị bệnh viện, quản trị hệ thống y tế.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa chiến lược AI vào hệ thống y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 và đang triển khai tại nhiều đơn vị bệnh viện, trung tâm chuyên ngành và tại Sở Y tế Thành phố.
Điển hình như, tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã triển khai AI để tầm soát, điều trị ung thư và sử dụng robot trong phẫu thuật. Gần đây, Sở cũng đã triển khai AI cho một y tế cơ sở ở xã đảo để chụp X- Quang phổi…
Về lộ trình xây dựng hệ thống y tế thông minh, Thành phố xác định, phải đẩy mạnh số hóa hệ thống y tế, đặc biệt triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, hồ sơ bệnh án điện tử (vào tháng 9/2025).
Đối với hồ sơ bệnh án điện tử, phải đảm bảo nguyên tắc kết nối với nhau, tạo ra nguồn dữ liệu lớn cho ngành Y tế để có những định hướng phát triển tiếp theo. Riêng hồ sơ sức khỏe điện tử, ở Y tế đang ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
BS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh, AI không thay thế cho con người, không thay thế cho bác sĩ mà chỉ đóng vai trò như trợ lý thông minh, giúp bác sĩ, các nhà quản lý ngành Y tế không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, cá thể hóa điều trị, tối ưu hóa quy trình và cải thiện trải nghiệm của người bệnh.
Với vai trò là Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Angela Pratt nhận định, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế đã mang lại tiềm năng, hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe con người.

Tuy nhiên, nếu cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận công nghệ số của người dân không đồng đều; khoảng cách bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ y tế sẽ không mang lại hiệu quả, bởi dịch vụ chỉ thực sự hữu ích khi người dân biết cách sử dụng, ứng dụng công nghệ.
Do đó, các cơ quan chức năng cần đảm bảo bình đẳng công nghệ số, nếu làm tốt điều này sẽ giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng, tiếp cận dịch vụ y tế số của người dân.
Ngoài ra, vấn đề bảo mật dữ liệu cũng là yếu tố rất quan trọng để triển khai dịch vụ đến toàn dân. Vì vậy, ngành Y tế cần có môi trường, chính sách tốt để người dân tin tưởng, an tâm, an toàn sử dụng dịch vụ y tế số.
Mở rộng y tế số đến toàn dân
Để phát huy tối đa hiệu quả công nghệ AI trong y tế, TS. Angela Pratt khuyến nghị, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xây dựng chính sách về hệ thống giám sát rủi ro; bảo mật dữ liệu, đảm bảo thông tin cá nhân.
Đặc biệt, duy trì vai trò của con người, bởi AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ, con người mới là người đưa ra quyết định cuối cùng; thúc đẩy tích hợp liên kết hệ thống, tránh việc lưu trữ thông tin rải rác.
Đồng thời, kêu gọi sự chung tay của những nhà làm luật, doanh nghiệp cung cấp giải pháp AI và đội ngũ y tế am hiểu chuyên ngành.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của công nghệ số trong lĩnh vực y tế, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tính hiệu quả của AI trong y tế ngày càng rõ nét thông qua các ứng dụng mà ngành Y tế đã và đang triển khai.
Việc ứng dụng hiệu quả AI trong lĩnh vực y tế đã góp phần cải thiện cơ hội điều trị thành công cho bệnh nhân; hỗ trợ điều trị trong phẫu thuật robot; quản lý hồ sơ bệnh án hiệu quả; có thể phân tích dữ liệu dân số và các yếu tố nguy cơ để dự đoán và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh…
Về lâu dài, ông Lâm Nguyễn Hải Long cũng kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để giảm thiểu tối đa sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế số của người dân.
“Đáng chú ý, Luật Công nghiệp Công nghệ số sắp ra đời (hiện đang trong dự thảo) hy vọng sẽ có những nghị định và thông tư hướng dẫn giúp thu hẹp khoảng cách nhằm giúp cả mọi người dân đều được thụ hưởng công nghệ, được khám chữa bệnh một cách tốt nhất. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển y tế thông minh tại TP. Hồ chí Minh nói riêng và cả nước nói chung”, ông Lâm Nguyễn Hải Long kỳ vọng.