Doanh nghiệp hướng đến minh bạch hóa “hàng thuần Việt”

Thu Dịu

Trong bối cảnh chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chủ động minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để khẳng định vị thế “hàng thuần Việt” trên thị trường quốc tế.

Các hội Doanh nghiệp khu vực trực thuộc Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh ra mắt sáng 23/7. Ảnh: T.D
Các hội Doanh nghiệp khu vực trực thuộc Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh ra mắt sáng 23/7. Ảnh: T.D

Bài toán minh bạch xuất xứ

Thông tin tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) diễn ra ngày 23/7, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi với tốc độ ấn tượng khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt mức tăng gần 7,4%. Đóng góp lớn vào kết quả này là sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn đang “hồi sức” sau dịch.

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với một thách thức lớn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc thị trường, tránh lệ thuộc vào một đối tác duy nhất và đồng thời tận dụng thời cơ để mở rộng sang các thị trường ngách.

Minh bạch từ nguồn gốc sản phẩm đến chiến lược thị trường đang trở thành “chìa khóa vàng” để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế và chủ động thích ứng trong một thế giới đang vận động nhanh chóng.

Do đó, lãnh đạo HUBA cho biết sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc cần sớm minh bạch hóa và xác định rõ “hàng thuần Việt” nhằm đối phó với nguy cơ bị áp thuế oan do bị hiểu nhầm là hàng trung chuyển.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, hàng Việt Nam đặc biệt là các mặt hàng nông sản như cà phê, tiêu, trái cây hay thủy hải sản vốn là những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu hàng đầu thế giới, không thể bị đánh đồng với hàng trung chuyển. Những mặt hàng này cần được đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc để khẳng định giá trị “Made in Vietnam” trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.D
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.D

Đơn cử, trong các ngành có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu như gỗ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ, chế biến và xuất khẩu ngược trở lại thì cần được công nhận là hàng xuất xứ Việt Nam vì đã trải qua quá trình sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng. Nếu không minh bạch hóa nguồn gốc, hàng Việt sẽ gặp rào cản trong cạnh tranh.

HUBA cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai biện pháp phân loại hàng hóa hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi thuế quan, đồng thời từng bước mở rộng thị trường quốc tế.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn cho biết, với lãi suất hiện tại coi là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn lên kế hoạch đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, ông Việt Anh nhận định, thị trường Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt, nhất là khi nhiều đối thủ như Trung Quốc đang chịu áp lực thuế quan. Hiện nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, phần mềm, sản phẩm có chứng nhận xuất xứ rõ ràng… đang có đơn hàng ổn định và tăng trưởng tích cực. Nếu tận dụng tốt khoảng trống thị trường này, xuất khẩu Việt Nam có thể tăng trưởng 10–12% từ nay đến cuối năm.

Không chỉ là yêu cầu để đáp ứng chính sách thuế quốc tế, minh bạch hóa hàng thuần Việt còn là nền tảng để doanh nghiệp vươn xa và phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh HUBA và các doanh nghiệp đang hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ nhằm giảm lệ thuộc nguyên liệu ngoại, tăng giá trị nội địa hóa.

Song song đó, HUBA cũng tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi từ “bộ tứ Nghị quyết” của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh, nhất là Nghị quyết 98 và Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trọng điểm.

 

Thành lập 5 Hội Doanh nghiệp khu vực

Sau khi các đơn vị hành chính cấp quận, huyện được sắp xếp lại, các Hội doanh nghiệp cấp quận, huyện tương ứng cũng chấm dứt tư cách pháp nhân và hoạt động độc lập kể từ ngày 30/6.

Đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập 5 Hội Doanh nghiệp khu vực gồm: Tây Sài Gòn, Đông Sài Gòn, Trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn, và Tây Bắc Sài Gòn, trên cơ sở hợp nhất các Hội Doanh nghiệp quận, huyện cũ.

Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận và hợp nhất hai tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương (cũ) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) theo chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.