Gỡ vướng trong xây dựng pháp luật gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực

Hữu Hòe

Chính phủ yêu cầu quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 vừa có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 với nhiều điểm mới như: Luật quy định đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa mang tính linh hoạt cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, tách quy trình làm chính sách với việc lập chương trình lập pháp hằng năm; giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương…

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về đổi mới hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh hậu tổ chức bộ máy rộng khắp trên phạm vi cả nước, Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 16/4/2025 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cơ bản thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 48/TTr-BTP ngày 10/4/2025. 

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và yêu cầu về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, phải bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật này. Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này.

Theo dự kiến chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào đầu tháng 5/2025, bổ sung vào trình để Quốc hội xem xét, thông qua 13 dự án luật, nhằm tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.