Hoàn thiện khung chính sách tạo đột phá tăng trưởng kinh tế số

Hiếu Phương

Một loạt khung pháp lý ban hành gần đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia ngày càng mạnh mẽ vào chuyển đổi số

Hội thảo “Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam”
Hội thảo “Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam”

Hội thảo “Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam” do Hội Truyền thông Thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech for Good Institute - TFGI) tổ chức ngày 27/5. Mục tiêu Hội thảo nhằm nhận diện xu hướng về quản trị công nghệ và kinh tế số ở Việt Nam và Đông Nam Á, đồng thời tạo diễn đàn thảo luận về chính sách và quy định pháp luật liên quan tới phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chính sách về quản trị dữ liệu; vai trò, cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ, mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam.

Tiềm năng tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) cho biết, ứng dụng số và chuyển đổi số đang trở thành xu hướng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, sự xuất hiện của các công nghệ mới nổi tạo ra sản phẩm, dịch vụ đa dạng, góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược chia sẻ tại Hội thảo
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược chia sẻ tại Hội thảo

Là một quốc gia có tốc độ chuyển đổi số được đánh giá là nhanh nhất khu vực, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đạt được những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số, với tốc độ tăng trưởng của kinh tế số đạt khoảng 20% mỗi năm kể từ 2022. Tính đến năm 2024, kinh tế số đóng góp 18,3% GDP quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 30 nền kinh tế số hàng đầu thế giới, như mục tiêu đặt ra trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực cũng là những ưu tiên chiến lược của quốc gia.

Đáng chú ý, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử ngày càng có vai trò quan trọng và là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế số tăng trưởng mạnh. Số liệu được ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 22% so với năm trước và chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Theo số liệu thống kê, doanh số bán lẻ thương mại điện tử năm 2024 đạt 25 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 10 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu.

Cũng theo ông Tuấn, Dự thảo Luật Thương mại điện tử, dự kiến được trình Quốc hội trong năm 2025, hướng tới việc xây dựng một khung pháp lý hiện đại và tinh gọn để điều chỉnh toàn diện các hoạt động thương mại điện tử trên toàn quốc, bao gồm cả các sàn giao dịch trực tuyến và nền tảng số. Nhờ đó sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường này ngày càng mạnh mẽ.

Hoàn thiện khung thể chế chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số

Bên cạnh việc đem lại lợi ích và cơ hội, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng công nghệ số có thể cũng dẫn tới những rủi ro, thách thức. Trong bối cảnh đó, hệ thống chính sách và quy định pháp luật cần được kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nhằm khai thác tối ưu lợi ích và phòng ngừa, khắc phục những rủi ro, thách thức có thể tạo ra bởi sự phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho rằng thể chế cần đi trước một bước so với thực tiễn công nghệ để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Theo bà Thảo, Nghị quyết 57-NQ/TW là bước đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được coi là 3 mũi đột phá chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam vào top 3 ASEAN về năng lực nghiên cứu AI đến năm 2030; tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số lên 50% GDP đến năm 2045, đồng thời góp phần nâng trình độ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ tương đương các quốc gia phát triển.

Cùng với đó, một loạt khung pháp lý tiếp tục ban hành gần đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia ngày càng mạnh mẽ vào chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Ví dụ như Nghị quyết số 198/2025/QH15 và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D), Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc biệt với lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số…

Đông đảo đại biểu tham gia Hội thảo
Đông đảo đại biểu tham gia Hội thảo

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo các quy định mới không làm cản trở đà tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử, vốn là một trong những động lực then chốt của nền kinh tế số Việt Nam. Việc xây dựng chính sách với sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm các nền tảng, hiệp hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) và người tiêu dùng, được xem là cách tiếp cận cần thiết.

Để có thể cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và quy định pháp lý, các sáng kiến đổi mới trong chính sách cần được xem xét. Việc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm chính sách (sandbox) được đánh giá là một công cụ hữu ích để kiểm nghiệm và hoàn thiện quy định trong một môi trường số thay đổi nhanh chóng. Điều này càng có ý nghĩa khi Nghị định số 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế sandbox trong lĩnh vực ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Cùng với đó, việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử được nhấn mạnh là một biện pháp thực tiễn nhằm khuyến khích hành vi có trách nhiệm trong các lĩnh vực số mới nổi. Các chuyên gia lưu ý rằng luật và quy định không nhất thiết phải hoàn thiện ngay từ đầu, cũng như không nên quá nghiêm ngặt. Việc này có thể tạo ra những rào cản không cần thiết đối với đổi mới sáng tạo. Trong những lĩnh vực mà khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện, các hiệp hội ngành nghề và tổ chức chuyên môn có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách phối hợp với Chính phủ để xây dựng các bộ tiêu chuẩn và thực hành tốt mang tính tự nguyện. Những nỗ lực như vậy sẽ cung cấp hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy văn hóa hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh như thương mại điện tử và nền tảng kinh tế mới.

 

Tại sự kiện, TFGI cũng đã ra mắt ấn phẩm lần thứ hai của báo cáo “Sự phát triển của quản trị công nghệ tại sáu quốc gia Đông Nam Á”, nêu bật những thay đổi chính sách và cách tiếp cận quản trị nổi bật trong năm 2024 tại sáu quốc gia: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.