Sản xuất bền vững và tiêu dùng xanh chờ "gậy phép" công nghệ

Hương Dịu

Tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sản xuất và kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững. Do đó, việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” đang ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức vào ngày 2/7/2025.

Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh". Ảnh: HD
Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh". Ảnh: HD

E ngại do chi phí lớn và rào cản công nghệ

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức, mà đã trở thành một trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia. Vì thế, các cơ quan liên quan cần làm cho tiêu dùng bền vững trở nên dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm (giai đoạn 2021 - 2023).

Khoảng 2/3 người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh để bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Nhưng theo các chuyên gia, sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp.

Đó là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, cùng quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại, chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững của Unilever Việt Nam cho biết, Công ty đã phát triển kinh tế tuần hoàn bằng cách thu gom tái chế và tái chế từ rác thải nhựa thành bao bì sản phẩm.

Trong 3 năm qua, Unilever đã hợp tác với các đối tác thu gom tái chế như Viet Cycle hoặc Duy Tân, nên mỗi năm đã tái chế được khoảng 13.000 – 15.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời hơn 70% bao bì của Unilever đều có thể tái chế được.

Về khó khăn trong hoạt động này, theo bà Lê Thị Hồng Nhi, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đủ sạch, công nghệ tái chế trong nước chưa phát triển đủ khiến giá thành của nhựa tái sinh cao hơn 20% so với nhựa nguyên sinh.

Mặt khác, từ góc độ doanh nghiệp nhỏ, ông Lê Văn Tám - đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng (chuyên sản xuất ống hút từ rau củ) đã chia sẻ một "nỗi đau" là doanh nghiệp đã làm ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, đúng chủ trương của Nhà nước nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại không dùng do "lối tư duy ngược". Trong khi theo thống kê, mỗi năm người Việt Nam dùng hết 5,3 tỷ ống hút, nên chỉ một vài % ống hút nhựa cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Các diễn giả tại phiên thảo luận.
Các diễn giả tại phiên thảo luận.

Cần thêm ưu đãi và hỗ trợ nguồn vốn

Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, khoa học, công nghệ xanh được xem là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp mở rộng cánh cửa bước vào "kỷ nguyên xanh".

 

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, công nghệ không chỉ là "chiếc gậy phép" hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, mà còn tăng cường minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Nhưng ông Trịnh Anh Tuấn cũng nêu, bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh.

Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại.

Vì thế, các doanh nghiệp đều đánh giá cao “bộ tứ” Nghị quyết mà Bộ Chính trị mới ban hành cho sự phát triển của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân cũng như ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, để qua đó tạo nền tảng cho một hệ sinh thái tiêu dùng thông minh, sáng tạo và có trách nhiệm.

Đại diện Unilever Việt Nam đề xuất cần có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái sinh trong sản xuất, bao bì; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế, phát triển ngành tái chế tại Việt Nam… để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Ngoài ra, bên cạnh việc mong muốn các cơ quan quản lý nâng cao ý thức, hành vi tiêu dùng xanh, ông Lê Văn Tám mong muốn nhận được thêm sự đồng hành, hỗ trợ về nguồn vốn, do các doanh nghiệp siêu nhỏ thường rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng đề nghị cần minh bạch thông tin về sản phẩm, để không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là công cụ hữu hiệu để phân biệt sản phẩm bền vững, từ đó định hướng và khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm.