Hưng Yên khắc phục khó khăn trong bối cảnh sáp nhập

Trọng Nghĩa

Từ ngày 1/7/2025, Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) chính thức triển khai trên toàn quốc. Đối với Hưng Yên - tỉnh mới sau sáp nhập với Thái Bình theo Nghị quyết số 202/2025/QH15, đây là cuộc điều tra có ý nghĩa đặc biệt, giúp tỉnh đánh giá toàn diện bộ máy hành chính mới và là cơ sở hoạch định chính sách phát triển khu vực nông thôn, nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Trao Quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng Lãnh đạo Thống kê tỉnh Hưng Yên.
Trao Quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng Lãnh đạo Thống kê tỉnh Hưng Yên.

Ông Đào Trọng Truyến - Phó trưởng Ban Thường trực, Trưởng Thống kê tỉnh Hưng Yên cho biết: Ngay từ cuối năm 2024, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo quyết liệt việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực Tổng điều tra tại tất cả các huyện, thành phố và tại các xã, phường, thị trấn.

Công tác kiện toàn nhân sự được triển khai khẩn trương, đồng bộ, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp. Tỉnh cũng đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo điều hành như kế hoạch tổ chức điều tra, tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, giám sát,... tạo hành lang pháp lý vững chắc và sự thống nhất trong triển khai, thực hiện.

Để công tác TĐTNN 2025 được tiến hành thuận lợi, hiệu quả, trong tháng 5/2025, Ban Chỉ đạo TĐT tỉnh và Ban Chỉ đạo TĐT cấp huyện tổ chức Hội nghị Triển khai công tác TĐTNN 2025 với Trưởng ban Chỉ đạo cấp dưới để quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung và kế hoạch thực hiện cuộc Tổng điều tra. Từ đó, có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa Ban Chỉ đạo các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã tổ chức 89 lớp tập huấn cấp huyện; trong đó, Hưng Yên (cũ) tổ chức 33 lớp và Thái Bình (cũ) tổ chức 56 lớp, với tổng số 4.837 điều tra viên, 375 Tổ trưởng tham dự. Lực lượng này phần lớn là những người có uy tín trong cộng đồng như Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn, Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, cán bộ hưu trí... - là những người vừa am hiểu địa bàn, vừa giàu kinh nghiệm xã hội.

Các lớp tập huấn được tổ chức bài bản, chú trọng thực hành kỹ năng tác nghiệp, sử dụng phần mềm CAPI, xử lý tình huống thực tế, kiểm tra logic... Nhờ đó, 100% học viên đều đạt yêu cầu về nghiệp vụ sau tập huấn. Đây là tiền đề quan trọng để bảo đảm độ chính xác, khách quan và hiệu quả của cuộc Tổng điều tra quy mô lớn này.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Thống kê tỉnh được trao Quyết định bổ nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Thống kê tỉnh được trao Quyết định bổ nhiệm.

Về quy mô điều tra, TĐTNN 2025 tại Hưng Yên có phạm vi và độ phủ lớn chưa từng có. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh hiện có 4.848 địa bàn điều tra; trong đó, tỉnh Hưng Yên (cũ) có 1.969 địa bàn và tỉnh Thái Bình (cũ) có 2.879 địa bàn. Công tác lập bảng kê đã được hoàn tất với tổng số 955.210 hộ được thống kê; trong đó, có 616.997 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản - chiếm tỷ lệ 64,6%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thống kê chính xác 1.460 trang trại - con số phản ánh rõ tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Về tiến độ điều tra, công tác thu thập thông tin đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể: Tính đến ngày 8/7/2025, toàn tỉnh có 358 phiếu xã, đã điều tra 351/358 phiếu xã (đạt 98,04%). Dự kiến đến 10/7/2025, sẽ hoàn thành điều tra phiếu xã, đảm bảo thời gian theo quy định.

Bên cạnh đó, điều tra 70.406/617.986 phiếu hộ (đạt 11,4%);  97/1.460 phiếu trang trại (đạt 6,6%). Tuy nhiên, tiến độ điều tra đối với phiếu hộ và trang trại còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc thay đổi địa giới hành chính, tổ chức lại bộ máy và tình hình mùa vụ sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương.

Sự kiện sáp nhập hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình thành đơn vị hành chính mới với diện tích 2.514,8 km², dân số 3.208.400 người và 104 đơn vị hành chính cấp xã (từ 381 đơn vị cũ) đã đặt ra nhiều thách thức lớn. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính dẫn đến nhiều thay đổi về nhân sự ở cấp xã. Một số địa phương chưa kịp kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã hoặc chưa thể bố trí được nơi làm việc và nhân sự chuyên trách, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ điều tra tại cơ sở.

Cùng với việc tổ chức điều tra, công tác tuyên truyền cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Với sự vào cuộc của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, hoạt động truyền thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong thời gian cao điểm từ ngày 25/6 đến 10/7/2025, các địa phương treo băng rôn, pano tuyên truyền tại các điểm trung tâm, tổ chức xe loa cổ động, họp dân, lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp chi bộ, hội đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức và sự hợp tác của người dân.

Bên cạnh đó, công tác giám sát được duy trì thường xuyên, chặt chẽ. Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức họp định kỳ hằng tuần để nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Hoạt động giám sát được thực hiện song song giữa phương pháp trực tiếp tại địa bàn và gián tiếp thông qua hệ thống điện tử. Nhờ đó, nhiều lỗi sai logic, lỗi nhập dữ liệu, xác định sai mã ngành nghề… đã được phát hiện và chỉnh sửa sớm.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, phát biểu tại Hội nghị Công bố Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Thống kê tỉnh Hưng Yên.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, phát biểu tại Hội nghị Công bố Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Thống kê tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, không ít khó khăn vẫn tồn tại. Một số lỗi nhập sai chính tả, nhầm đơn vị tính, hoặc sai mã ngành vẫn xuất hiện. Hệ thống tác nghiệp điện tử đôi khi chậm phản hồi, gây khó khăn cho giám sát viên trong quá trình theo dõi tiến độ và hỗ trợ điều tra viên tại địa bàn. Những yếu tố này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Trung ương và địa phương trong hỗ trợ kỹ thuật và hoàn thiện phần mềm phục vụ điều tra.

Ngày 9/7/2025, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Thống kê, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: TĐTNN 2025 không chỉ là cuộc điều tra thống kê đơn thuần mà còn là cơ hội để địa phương rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nông nghiệp. Từ đó, giúp tỉnh hoạch định chính sách phát triển phù hợp trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, dữ liệu điều tra sẽ giúp tỉnh nhận diện chính xác tiềm năng từng vùng: Từ vùng đô thị hóa nhanh phía Tây (Hưng Yên cũ) đến vùng nông nghiệp, kinh tế biển và du lịch sinh thái phía Đông (Thái Bình cũ). Cuộc Tổng điều tra lần này được ví như một “Bản đồ số liệu” - phản ánh không chỉ bức tranh tổng thể mà còn cả chiều sâu trong khu vực nông thôn, nông nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh xây dựng chiến lược phát triển toàn diện và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, trước những khó khăn do khách quan, chủ quan trong công tác tổ chức và kỹ thuật, UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn từ Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 Trung ương nhằm đẩy nhanh việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã, đồng thời nâng cấp và ổn định phần mềm điều tra. Việc gia hạn thời gian thu thập thông tin cũng là đề xuất thiết thực trong bối cảnh tỉnh đang phải xử lý đồng thời công tác sáp nhập địa giới hành chính và lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên đề xuất phân quyền cho Thống kê tỉnh được theo dõi đồng bộ toàn bộ dữ liệu sau sáp nhập - bao gồm cả địa bàn Hưng Yên và Thái Bình cũ - để tránh tình trạng phân mảnh trong công tác chỉ đạo, giám sát, đảm bảo tính thống nhất trên toàn tỉnh.

Có thể khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo sát sao từ Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, TĐTNN 2025 tại Hưng Yên đang từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, dự kiến sẽ về đích đúng hẹn. Qua đó, kỳ vọng số liệu điều tra sẽ trở thành nền tảng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.