Còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự liên thông giữa các luật
Theo ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN), còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự liên thông giữa các luật và văn bản dưới luật…
Luật có hiệu lực nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, nên gây lúng túng cho chủ đầu tư
“Hiện nay, tình trạng luật có hiệu lực, nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thi hành, gây lúng túng cho các chủ đầu tư…”, ông Trần Phong Lãm - Giám đốc Khối Chính phủ FPT IS (Tập đoàn FPT) chia sẻ tại Hội thảo phản ánh khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật qua thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và đề xuất phương án xử lý, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 17/7.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp nhà nước, ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết, các quy định ở nhiều lĩnh vực trọng yếu có ảnh hưởng đến PVN như: Quy định về quản trị doanh nghiệp xác định hoạt động dầu khí, quy trình mua bán điện với đối tác nước ngoài, ký quỹ đối với dự án doanh nghiệp nhà nước được giao thực hiện đầu tư, đánh giá tác động động môi trường đối với dự án dầu khí… còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự liên thông giữa các luật và văn bản dưới luật.
“Vẫn còn nhiều quy định của văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật”, Đại tá Phan Thị Loan - Trưởng Ban Pháp chế, Tập đoàn Viettel phản ánh.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú, các ý kiến phản ánh từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cho thấy, nhiều bất cập, vướng mắc không chỉ xuất phát từ nội dung quy định pháp luật, mà còn nằm ở cả khâu tổ chức thực thi pháp luật. Không ít quy định pháp luật tuy đã được ban hành đầy đủ, nhưng việc triển khai áp dụng lại chưa đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cấp, các ngành…
Kiến nghị nhiều giải pháp
Để khắc phục tình trạng trên, ông Trần Phong Lãm đề xuất, cần đồng thời ban hành luật và văn bản hướng dẫn hoặc ít nhất phải có “độ trễ” hợp lý, trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ trước khi luật có hiệu lực, để tránh sự “vênh” giữa luật và thực tiễn thi hành.

“Cần sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tiêu chuẩn, thủ tục, thẩm quyền trong các lĩnh vực đầu tư, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao dự án để doanh nghiệp chủ động triển khai dự án, giảm rủi ro tranh chấp pháp lý. Cũng cần xây dựng, hoàn thiện khung chính sách ưu đãi đặc thù cho các lĩnh vực mới, ngành nghề trọng điểm (dầu khí phi truyền thống, hydrogen, năng lượng tái tạo…), tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh”, ông Đỗ Chí Thanh kiến nghị.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu: Trong năm 2025, phải cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Tinh thần này tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 5/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đã ban hành Kế hoạch số 04 về chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Trong đó, giao Bộ Tư pháp chủ trì công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật nói chung và ngày 31/7 phải trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng được kỳ vọng rất lớn và các cơ quan Trung ương theo dõi sát sao.
“Do vậy, cùng với việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bản thân khâu tổ chức thực thi pháp luật cũng cần tiếp tục được nghiên cứu để cải thiện. Sau Hội thảo, các tập đoàn, doanh nghiệp rà soát, chọn lọc các kiến nghị để gửi lại Bộ Tư pháp qua Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý hoặc qua Cổng Pháp luật quốc gia trong tuần này, để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp vào báo cáo.”, ông Tú lưu ý.