Phát triển kinh tế Việt Nam:
Hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thế giới nhiều biến động
Theo ThS. Nguyễn Lê Đình Quý - Chuyên gia kinh tế, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một nền kinh tế tự chủ không đối lập với hội nhập quốc tế, mà bổ sung cho hội nhập bằng chiều sâu chiến lược, đảm bảo sự ổn định và phát triển dài hạn.
Phóng viên: Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, đâu là bước ngoặt lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Bước ngoặt quan trọng nhất không thể không nhắc tới là chính sách Đổi Mới năm 1986. Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, thiếu hụt và phụ thuộc nặng nề vào bao cấp, Đổi mới đã tạo ra một cú hích mang tính nền tảng – chuyển nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhờ đó, Việt Nam từng bước mở cửa thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khuyến khích khu vực tư nhân phát triển. Từ một quốc gia bị cô lập về kinh tế, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của WTO và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, đời sống người dân cải thiện rõ rệt, và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Đây là minh chứng cho hiệu quả của tư duy cải cách và hội nhập có chọn lọc.
Phóng viên: Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI và thị trường xuất khẩu. Ông/bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Nhận định đó không phải là không có cơ sở. Dù khu vực FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, nhưng lại chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu và phần lớn giá trị gia tăng lại nằm ngoài Việt Nam. Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn hạn chế về quy mô, công nghệ và khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, như trong đại dịch COVID-19, hoặc khi thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc suy giảm cầu. Tình trạng “làm gia công” kéo dài sẽ khiến chúng ta khó vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phóng viên: Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Có thể khẳng định, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, qua đó nâng cao sức mạnh nội lực, xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và thách thức nổi lên, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh một thế giới phẳng, toàn cầu hóa là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao, ít bị tổn thương trước những biến động của khu vực và quốc tế. Nền kinh tế độc lập, tự chủ phải đáp ứng được tính độc lập về thể chế, về thực lực và tiềm lực kinh tế. Độc lập, tự chủ trong xây dựng thể chế kinh tế, trong triển khai thực hiện, trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp và tuân thủ các quy định của kinh tế toàn cầu và khu vực.
Ngoài ra, cũng cần nhận thức thêm rằng, tự chủ kinh tế không phải là khép cửa hay quay lưng với toàn cầu hóa, mà là nâng cao khả năng kiểm soát và làm chủ các yếu tố chiến lược trong nền kinh tế – từ công nghệ, năng lượng, nguyên vật liệu cho đến thị trường tiêu thụ. Trong một thế giới đầy biến động, hội nhập mà không có năng lực nội sinh chỉ khiến ta dễ bị lệ thuộc.
Như tôi đã đã đề cập, tự chủ ở đây là khả năng linh hoạt, chủ động ứng phó với các cú sốc bên ngoài, như đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại hay biến đổi khí hậu. Một nền kinh tế tự chủ không đối lập với hội nhập, mà bổ sung cho hội nhập bằng chiều sâu chiến lược, đảm bảo sự ổn định và phát triển dài hạn.
Phóng viên: Vậy để hướng tới nền kinh tế tự chủ và có khả năng chống chịu tốt hơn, Việt Nam nên tập trung vào những định hướng chiến lược nào, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý: Tôi cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên một số trụ cột chiến lược.
Thứ nhất, Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước và hình thành năng lực công nghệ lõi – đặc biệt là trong các lĩnh vực như bán dẫn, tự động hóa, năng lượng tái tạo và AI.
Thứ ba, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, kỹ năng quản trị và kết nối thị trường để họ có thể lớn mạnh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung đầu vào nhằm tránh rủi ro từ phụ thuộc vào một số đối tác lớn.
Cuối cùng, không thể xem nhẹ thị trường nội địa – đây chính là “lá chắn” chống khủng hoảng nếu xuất khẩu giảm. Phát triển thương hiệu Việt, nâng cao năng lực tiêu dùng trong nước sẽ giúp đảm bảo sự ổn định vĩ mô trong dài hạn. Tự chủ kinh tế là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự kiên định, liên kết chính sách và đầu tư nghiêm túc từ Nhà nước đến doanh nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!