Miễn viện phí cho người dân: Nhà nước cần hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế

Nguyệt Hà

Chủ trương miễn viện phí rất nhân văn, nhưng đi kèm với đó là chất lượng khám chữa bệnh phải bảo đảm, phải được nâng lên. Muốn vậy, ngân sách nhà nước cần tăng cường hỗ trợ đóng BHYT cho người dân, nhất là người khó khăn, người dân tộc…

Người dân đăng ký khám chữa bệnh
Người dân đăng ký khám chữa bệnh

Miễn viện phí: Chủ trương nhân văn

Mới đây, tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư đã đề cập đến lộ trình từ nay đến năm 2030 thực hiện miễn viện phí chho nhân dân. Đây là mục tiêu và thực tế hiện nay chúng ta đang đi đúng lộ trình là tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Tiến tới miễn viện phí và mọi người dân đều có thẻ BHYT để được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh.

Hiện nay, mức chi trả BHYT và danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT.

Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), viện phí và học phí chiếm 30 - 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ chi “tiền túi” tại Việt Nam hiện tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế.

Hằng năm, bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87 - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả từ 11 - 13%. Như vậy, nếu thực hiện được việc miễn viện phí sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản.

Điều trị nội trú cho bệnh nhân BHYT tại Lạng Sơn
Điều trị nội trú cho bệnh nhân BHYT tại Lạng Sơn

Cần nguồn lực lớn cả về tài chính và nhân lực

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, để đáp ứng được mục tiêu miễn phí hoàn toàn dịch vụ y tế, Việt Nam cần một nguồn ngân sách rất lớn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời đòi hỏi nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống bệnh viện. Việc miễn viện phí có thể được thực hiện thông qua BHYT toàn dân.

Hiện nay, BHYT đã giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân khi khám chữa bệnh. Nếu mỗi người dân đều có thẻ BHYT thì có thể tiếp cận được dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch cân đối, phân bổ và thu chi ngân sách sao cho các bệnh viện có phần chi phí bù đắp vào khoản viện phí không còn nữa để chất lượng chăm sóc sức khỏe vẫn bảo đảm.

Cùng với đó, ngành y tế và các ngành có liên quan cần phải có ý thức sâu sắc, thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo theo lộ trình và kế hoạch. Các trường đại học, cao đẳng phải cung cấp cho ngành y tế các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng không chỉ đáp ứng đủ số lượng mà còn chất lượng và đạo đức. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải được xây dựng khang trang, đúng chuẩn, được cung cấp các thiết bị, vật tư hiện đại, thuốc men không thiếu trước hụt sau…

Về chủ trương miễn phí dịch vụ y tế, ông Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của Luật BHYT thì quyền lợi người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc dùng chữa trị bệnh ung thư được đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả. Đặc biệt, có 9 nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 70% đến 100%.

Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHYT năm 2024, Bộ Y tế cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ tối thiểu từ 30% lên 50% mức đóng BHYT đối với học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 12; một số đối tượng khác tăng từ 50% lên 70%. Do vậy, hướng giải quyết đầu tiên và then chốt nhất là Nhà nước hỗ trợ nhân dân khám chữa bệnh thông qua thẻ BHYT.

Chính sách miễn viện phí phải gắn bó, kết hợp hài hòa với chính sách BHYT mới có tính khả thi. Nhà nước hỗ trợ người dân thông qua BHYT, bù vào phần chi thêm cho ngành y tế làm việc. Đồng thời, cũng nghiên cứu nâng mệnh giá thẻ BHYT cho những nhóm yếu thế, người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ bị bệnh hiểm nghèo.