Ngành Ngân hàng “khát” nhân lực chuyên sâu về công nghệ
Trong công cuộc chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đang đặt ra những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hệ sinh thái số thông minh, đồng thời tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động để thích nghi, nhưng vấn đề nhân lực còn là thách thức.

Phát biểu tại Diễn đàn "Nhân lực ngành Ngân hàng trước làn sóng công nghệ" được tổ chức vào ngày 16/7/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng khẳng định, nhân lực ngành Ngân hàng đã dịch chuyển. Trước đây, đa số giao dịch là nhân viên ngân hàng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thì nay hầu hết các dịch vụ ngân hàng đã chuyển sang tự động.
Theo NHNN, đến nay có gần 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.
5 tháng đầu năm 2025, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là giao dịch qua mã QR tăng tới 78,09% về số lượng và 216,24% về giá trị. Hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số. Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ khoảng 95% giao dịch thực hiện trên kênh số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%...
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, Phó Thống đốc cho hay, người làm ngân hàng cũng phải có sự am hiểu về nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng, nên chưa bao giờ ngành Ngân hàng "khát" nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin của ngành như hiện nay.
Vấn đề này càng trở nên thách thức khi trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và điện toán đám mây (Cloud Computing) đang tạo ra những chuyển dịch mạnh mẽ trong vận hành ngân hàng.
Blockchain làm thay đổi cấu trúc quản lý dữ liệu, bảo mật và giao dịch, giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành. Tự động hóa (RPA) đang thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng...

Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trước xu thế công nghệ mới, Việt Nam bắt buộc phải phát triển công nghệ liên quan đến công nghệ tài chính (fintech), tài sản số, blockchain, trí tuệ nhân tạo, phải đưa vào danh sách công nghệ chiến lược.
“Càng những người có nhiều tri thức sẽ càng dễ dàng bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nhóm nhân viên IT trong các ngân hàng thì bây giờ phải trang bị lại kiến thức mới theo các nền tảng mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định.
Từ những vấn đề trên, các chuyên gia đều nhận định, việc nâng cao năng lực số cho nhân lực ngành ngân hàng là điều tất yếu, nhưng thời điểm hiện nay, nguồn cung về nhân lực công nghệ thông tin chưa đủ cầu.
Nhu cầu nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng đang tăng rất mạnh.
Nếu như năm 2018, ngành Ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ, thì đến 2026 cần tới 750.000 người.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay, ngành Ngân hàng đang thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, trong khi đây lại là yếu tố có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Vì thế, để có được một nguồn cung nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu thì cần ban hành khung năng lực số cho ngành Ngân hàng, theo vị trí công tác; tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: NHNN - các cơ sở đào tạo - các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Hoàng Anh mong muốn, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng cần chủ động trong việc xác định nhu cầu và đặt hàng đào tạo; tham gia vào quá trình xây dựng/cập nhập chương trình; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc trong môi trường thực tế để tích lũy kinh nghiệm; phối hợp các cơ sở đào tạo thiết kế các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ nhân sự.
Đồng quan điểm, TS. Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng.
Theo đó là cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số - ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu - nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.