Thu hút FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút nhiều dự án mới, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, chính vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ khắc phục để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn này theo hướng bền vững.
Thực trạng thu hút FDI tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng nằm trên quốc lộ số 2 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Pḥòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân.
Tỉnh có vị trí quan trọng đối với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với Thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, triển vọng của Tỉnh đến các nhà đầu tư nhằm thu hút được các dự án trưc tiếp FDI, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách như: Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 18/7/2023 về kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 26/7/2022 và Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030; Đề án số 776/ĐA-UBND ngày 09/2/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) của Tỉnh với các DN FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025; Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025...
Sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về thu hút FDI, Vĩnh Phúc đã khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn dài hạn; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại các địa phương, các khu công nghiệp (KCN) và hạ tầng các khu du lịch; nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào Tỉnh.
Trong giai đoạn 2015-2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 307 dự án FDI, trung bình mỗi năm thu hút được hơn 43 dự án, với tổng số vốn đăng ký 2928,64 triệu USD, tổng số vốn thực hiện đạt 2.440,06 triệu USD, số vốn đăng ký/dự án đạt 9,54 triệu USD và số vốn thực hiện/dự án đạt 7,95 triệu USD/dự án. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.400 dự án, trong đó có 478 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 8,17 tỷ USD và 844 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 146.700 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2024 đến nay, toàn Tỉnh thu hút thêm hơn 120 triệu USD vốn FDI đạt hơn 30% kế hoạch năm và hơn8 1.280 tỷ đồng vốn DDI bằng 128% kế hoạch cả năm 2024.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, lũy kế tới hết năm 2023, Vĩnh Phúc có 432 dự án trong đó 393 dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành Công nghiệp - xây dựng với tổng vốn đăng ký 6.447,01 triệu USD, chiếm gần 91% tổng số dự án tổng số vốn FDI đăng ký vào Tỉnh. Trong đó, FDI vào công nghiệp chế biến chế tạo là 382 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 6.300 triệu USD (chiếm 88,4% tổng số dự án ngành Công nghiệp - xây dựng và 89,5% tổng vốn đăng ký của toàn Ngành). Số lượng các DN chế biến, chế tạo hiện đang là 1.232 DN, chiếm khoảng 23% trong tổng số DN tại Vĩnh Phúc. Một số DN FDI lớn đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc là: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Piaggio (Italia); Công ty TNHH North Stair Precision (Hoa Kỳ), Công ty Deawoo, Patron vina, Heasung vina, Cammsys, Interflex vina, Young Poong (Hàn Quốc), Công ty TNHH AGC Automotive Việt Nam (Thái Lan), Công ty TNHH De Heus (Hà Lan)… Nhờ đó, Tỉnh đã phát triển được các ngành kinh tế chủ lực, như: sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử.
Còn xét khu vực đầu tư, FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu vào các KCN là do các KCN đã có sẵn cơ sở hạ tầng, việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, Tỉnh cũng có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các KCN, như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng... Hiện nay, Vĩnh Phúc đã có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, quy mô trên 5.487,3 ha. Trong đó, có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.041,07 ha; có 8 KCN đã đi vào hoạt động cụ thể là: KCN Khai Quang (216,24 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha).
Các đối tác đầu tư truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, vốn đầu tư của các nhà đầu tư Đài Loan tăng mạnh, đạt 176,18 triệu USD, chiếm gần 32% tổng vốn đăng ký, đứng đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Sự có mặt của các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn tạo ra làn sóng đầu tư mới cho Tỉnh.
Để có những được những kết quả tích cực trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho DN. Tỉnh đã xây dựng các giải pháp đồng bộ để xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng quy trình về theo dõi, giải quyết và phản hồi vướng mắc của nhà đầu tư; đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các DN để nghe phản ánh và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phương châm “đồng hành cùng DN”, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Tỉnh cũng ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù, phát triển các KCN theo các lĩnh vực thu hút đầu tư của Tỉnh…
Một số tồn tại, hạn chế
Có thể thấy, FDI có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI của Tỉnh vẫnc còn bộc lộ một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, mặc dù kết quả thu hút vốn đầu tư hằng năm đều vượt cao so với mục tiêu, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký còn thấp; thu hút đầu tư vào Tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Số lượng dự án FDI đầu tư vào Tỉnh trong thời gian gần đây có gia tăng nhưng chưa nhiều, số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít.
Thứ hai, các dự án công nghiệp chủ yếu là lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa có sự liên kết giữa DN FDI với DN DDI tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa hình thành được các trung tâm nghiên cứu, phát triển tại địa phương. Công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc chưa phát triển, cơ chế dành cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đi vào cuộc sống và rất khó áp dụng tại địa phương. Hoạt động đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện chuyển đổi số mới bắt đầu mặc dù còn nhiều tiềm năng phát triển.
Thứ ba, các DN của Tỉnh còn yếu về năng lực; tỷ lệ DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại. Số lượng các nhà đầu tư chiến lược hiện diện tại tỉnh Vĩnh Phúc không nhiều so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của Tỉnh.
Giải pháp thu hút FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững
Để thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc một cách bền vững trong thời gian tới, Tỉnh cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Tiếp tục chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến.
Thứ hai, thu hút đầu tư có chọn lọc. Thu hút FDI phải lấy chất lượng làm trọng, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá để hướng nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối DN trong nước với nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi chính sách thu hút đầu tư từ các DN lớn ngoài nhà nước. Ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc cần quan tâm hỗ trợ DN, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho DN, tạo điều kiện kinh doanh và phát triển kinh tế. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới để chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc. Cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí và chất lượng logistics, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), xây nhà ở cho công nhân.
Tổ chức các hội thảo, hội nghị hướng dẫn và giải đáp cho DN về pháp luật, chính sách, thuế, thủ tục và các thông tin cần thiết, tạo điệu kiện cho DN có cơ hội tiếp cận, đối thoại trong quá trình triển khai và thực hiện.
Thứ tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của DN. Tỉnh cần có những chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng cho DN. Hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề, cơ sở giáo dục… đào tạo, cung cấp nguồn lao động có chất lượng phù hợp với nhu cầu của các DN trên địa bàn Tỉnh.
Thứ năm, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Cần có những quy hoạch về giao thông, kết nối trong và ngoài Tỉnh, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, hàng rào trong và ngoài KCN, đặc biệt là tránh ngập lụt về giao thông trong những ngày mưa lớn, quan tâm đến cải tạo các công trình giao thông và an toàn giao thông. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch. Thu hút các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho các chuyên gia, các khu văn hóa vui chơi.
Tài liệu tham khảo:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (2015-2023), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư các năm, từ năm 2015 đến năm 2023;
- Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (2016-2023), Niên giám Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc các năm, từ năm 2015 đến năm 2022;
- M.P (2023), Vĩnh Phúc: Điểm sáng trong đầu thu hút đầu tư nước ngoài, https://dangcongsan.vn/vinh-phuc-tiem-nang-va-trien-vong/vinh-phuc-co-hoi-va-phat-trien/vinh-phuc-diem-sang-trong-dau-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-655258.html
- Nguyễn Thị Minh Phương, Hoàng Thu Hà, Lương Hương Giang, Lê Tuấn Anh (2023), Thu hút đầu tư từ các DN lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2023