Chính sách đột phá và “mỏ vàng” dữ liệu cho phát triển kinh tế số
Các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính số, công nghệ thông tin và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam đã và đang trở thành hạt nhân của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo nghiên cứu của PGS., TS. Lê Quang Cảnh và nhóm tác giả Viện Phát triển Bền vững (Đại học Kinh tế Quốc dân), con đường để kinh tế số đóng góp 30% vào GDP quốc gia vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong giai đoạn 2020-2024, nhiều ngành có mức tăng trưởng vượt trội về kinh tế số như nông nghiệp số tăng hơn 20%, bưu chính - chuyển phát tăng 30%, thương mại điện tử tăng hơn 14%...
Báo cáo e-Conomy SEA 2024 do Google, Temasek và Bain& Company công bố cho biết, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh hàng đầu Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ số tại Việt Nam năm 2024 đạt 36 tỷ USD, dự kiến đạt 200 tỷ USD vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) hơn 30%.
Đặc biệt, Việt Nam còn đang tích cực chuyển đổi sang xã hội không tiền mặt, không chỉ trong các giao dịch thanh toán qua ngân hàng mà còn tại các dịch vụ công.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, tổng thanh toán không tiền mặt đạt 17,7 tỷ giao dịch với giá trị 295,2 triệu tỷ đồng, gấp 26 lần GDP của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2025, tiếp tục có những bước tiến mới, tổng giao dịch tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị so với cùng kỳ 2024.
Tuy nhiên, để tận dụng hết dư địa để phát triển, Việt Nam cần một lộ trình chiến lược với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, tập trung vào hai trụ cột chính: Xây dựng môi trường chính sách đột phá và khai thác hiệu quả “vốn dữ liệu” - tài nguyên chiến lược mới, ảnh hưởng tích cực trực tiếp và gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế ở cả cấp doanh nghiệp, cấp địa phương và cấp quốc gia.
Bản kiến nghị chính sách quý II/2025 của Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, yêu cầu cấp thiết hàng đầu là phải xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế số cấp quốc gia thống nhất, với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Chiến lược này cần có sự phối hợp nhịp nhàng, liên thông giữa các bộ, ngành chủ chốt như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước....
Trong đó cần hoàn thiện định nghĩa, phạm vi và bộ chỉ số đo lường kinh tế số theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Bản kiến nghị chính sách của Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất phải xây dựng môi trường pháp lý linh hoạt nhưng dễ đoán nhằm thúc đẩy chia sẻ dữ liệu an toàn và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Trong đó cần cập nhật thường xuyên khung pháp lý về dữ liệu; xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng và khai thác dữ liệu cho tăng trưởng kinh tế; thiết lập các cơ chế thử nghiệm chính sách dữ liệu; bảo đảm sự cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu và thúc đẩy tăng trưởng…
Song hành với khung pháp lý, việc tạo ra các đòn bẩy tài chính cũng vô cùng quan trọng. Nhiều đề xuất cho rằng cần thiết lập các cơ chế tài chính thuận lợi, trong đó ưu tiên hỗ trợ thuế, vốn, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an ninh mạng...
Chính sách cũng phải khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp, thúc đẩy mô hình liên kết 3 nhà: Viện Nghiên cứu - Trường Đại học - Doanh nghiệp để hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất và năng động.
Tất nhiên, mọi chiến lược sẽ chỉ nằm trên giấy nếu thiếu đi hạ tầng số - xương sống của nền kinh tế. Hạ tầng dữ liệu cần được đầu tư theo mô hình trục dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công và tư, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin.
Theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, đầu tư vào nhân lực số cũng là một giải pháp mang tính chiến lược dài hạn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cần được thúc đẩy mạnh mẽ với các chính sách khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong ứng dụng công nghệ.
Về vốn dữ liệu, các chuyên gia cho rằng, trước hết Chính phủ cần đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia. Bao gồm việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, các nền tảng điện toán đám mây dùng chung để hỗ trợ việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu quy mô lớn.
Việc khuyến khích mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong việc xây dựng và khai thác các kho dữ liệu là một hướng đi hiệu quả, giúp tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu bền vững, phục vụ cả mục tiêu công và tư.
Cùng với đó là phải xây dựng và phát triển chính sách bảo mật và quản lý dữ liệu; thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số và giáo dục kỹ năng số; xây dựng chính sách thúc đẩy chia sẻ và hợp tác dữ liệu…
Đồng thời, một chiến dịch quốc gia về nâng cao kỹ năng số và nhận thức về dữ liệu cho người dân, hay còn gọi là “giảm nghèo số”, nhằm xây dựng một xã hội số toàn diện, nơi mọi người dân đều có thể tham gia và hưởng lợi từ các dịch vụ số.