Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên
Công tác giáo dục khởi nghiệp giữ vai trò quan trọng định hướng và mở ra những cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh, sinh viên (HSSV). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã rất cần được giáo dục khởi nghiệp cũng như có động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Ngày 19/4, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ VII đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm” cùng Diễn đàn “Cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân lĩnh vực công nghệ” tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ là sân chơi khởi nghiệp cho các em học sinh, các chương trình cũng là hoạt động tổng kết Đề án 1665 của Chính phủ về “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”.
5 năm - 8.700 dự án khởi nghiệp của học sinh
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh từ các họa động tư vấn nghề nghiệp, việc làm”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT) Đỗ Đức Quế cho biết: Trong giai đoạn 2020 - 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông - một con số thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động của học sinh.

Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong việc định hướng, truyền cảm hứng và trang bị kĩ năng khởi nghiệp cho học sinh, Phó Vụ trưởng Vụ HSSV Trần Văn Đạt cho rằng, việc nâng cao năng lực giáo viên về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả hoạt động này trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh năm 2025 là thời điểm mang tính chuyển đổi sâu sắc, đánh dấu một hành trình đổi mới tư duy và hành động của thế hệ trẻ. Thứ trưởng cho rằng, khởi nghiệp bắt đầu từ việc tư vấn nghề nghiệp, việc làm, giúp học sinh định hướng đúng đắn và khai phá tiềm năng của bản thân. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thay vì chỉ truyền thụ kiến thức.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra. TS. Lê Thị Duyên (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) kiến nghị xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và khởi nghiệp. TS. Vũ Đình Bảy - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh đề xuất phương pháp tư vấn hướng nghiệp cá nhân hóa, phù hợp với đặc điểm, năng lực và nguyện vọng của từng học sinh.
Được biết, năm học 2024 - 2025 là mốc hoàn thành chu kỳ đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau quá trình tổng kết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển chương trình một cách bài bản, sâu sắc và hiệu quả hơn, trong đó hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và giáo dục khởi nghiệp tiếp tục là những trụ cột quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân
Với Diễn đàn “Cảm hứng khởi ngihệp từ các doanh nhân lĩnh vực công nghệ”, ông Trần Nam Tú - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, diễn đàn không chỉ chia sẻ những câu chuyện thành công mà còn là nơi lan tỏa tinh thần vượt khó, khơi dậy lòng can đảm, đam mê và khát vọng bước ra khỏi vùng an toàn. Trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ bởi cách mạng số và trí tuệ nhân tạo, cần một thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, tiên phong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phó Cục trưởng kỳ vọng, sau diễn đàn, mỗi HSSV sẽ được tiếp thêm động lực để xây dựng tương lai không chỉ cho bản thân mà còn góp phần vào sự phát triển đất nước.

Tại diễn đàn, các diễn giả là doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ đã chia sẻ nhiều bài học thực tiễn về hành trình khởi nghiệp, về vai trò của giáo dục, tư duy đổi mới, lãnh đạo và công nghệ tài chính. Những nội dung này giúp HSSV định hướng rõ hơn về cơ hội và thách thức khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Mong muốn, khuyến khích HSSV giữ gìn và phát huy được lợi thế vẻ đẹp trí tuệ, bắt đầu từ những hành động nhỏ, từng bước hiện thực hóa hoài bão, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ mở ra cơ hội lớn cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần xây dựng môi trường đại học thành môi trường của học thuật, nghiên cứu và sáng tạo. Thứ trưởng lưu ý, HSSV nên xây dựng hệ giá trị khởi nghiệp vững chắc và sẵn sàng đối mặt với rủi ro.
Bộ GD-ĐT cũng cam kết tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát triển toàn diện, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.