12 nhóm chính sách vượt trội phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Trần Huyền

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Chính phủ đề xuất quy định 12 nhóm chính sách đặc thù, vượt trội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp.

Tạo cơ sở thực thi đồng bộ 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xây dựng và phát triển TTTCQT đặt tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng trở thành TTTCQT hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và TTTC lớn trên thế giới. Qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Nghị quyết cũng tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại TTTCQT.

Về cơ cấu tổ chức, trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, ý kiến đề xuất, góp ý của một số cơ quan, để hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội dành riêng cho TTTCQT được thực thi một cách đồng bộ, thông suốt, hiệu quả, dự thảo Nghị quyết quy định cơ quan, tổ chức thuộc TTTCQT bao gồm: Cơ quan điều hành; Cơ quan giám sát; Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc TTTCQT.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết cho phép Thành viên TTTCQT được thành lập sàn giao dịch, nền tảng giao dịch hoạt động trong TTTCQT, như: giao dịch hàng hóa và phái sinh hàng hóa; giao dịch tín chỉ các-bon; sàn giao dịch sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; giao dịch kim loại quý hiếm; giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giao dịch sản phẩm tài chính xanh; sàn giao dịch chuyên biệt; các loại hình nền tảng giao dịch mới khác theo nhu cầu phát triển.

Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong phạm vi TTTCQT, Chính phủ đề xuất nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của Thành viên TTTCQT; Thành viên được phép thành lập tổ chức kinh tế mà không cần phải có dự án đầu tư; Không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thành viên còn được quyền tự do tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh với các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú hoặc với Thành viên TTTCQT khác. Chỉ thực hiện thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của pháp luật về đầu tư khi thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp của Thành viên TTTCQT...

Đồng thời, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và ngăn chặn các yếu tố có thể đe dọa an ninh quốc gia, dự thảo Nghị quyết quy định các văn bản quy phạm pháp luật về TTTCQT có thể đưa ra các biện pháp hạn chế đối với Thành viên TTTCQT.

Nhiều ưu đãi mạnh mẽ

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách vượt trội nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực.

Trong đó, nhằm thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại TTTCQT, Điều 20 dự thảo Nghị quyết quy định về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mới tại TTTC thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển vào TTTC; đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới phát sinh tại địa bàn TTTCQT không thuộc ngành, nghề ưu tiên; nguyên tắc lựa chọn mức ưu đãi thuế khi cùng đáp ứng các điều kiện để hưởng nhiều mức ưu đãi... Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người có trình độ chuyên môn cao làm việc tại TTTCQT; chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng...

Dự thảo Nghị quyết thiết kế theo hướng quy định cơ chế, chính sách vượt trội so với quy định hiện hành nhằm đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, tập trung thu hút các nguồn lực tư nhân. Theo đó, bên cạnh việc đơn giản hoá tối đa trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy; áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội, dự thảo Nghị quyết đề xuất dự án đầu tư theo hình thức PPP tại TTTCQT được áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đến mức 70% tổng mức đầu tư của dự án. 

Cùng với đó, đề xuất cơ chế chia sẻ doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư được thiết kế linh hoạt hơn quy định chung; được chỉ định nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M); Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) và các hợp đồng khác theo pháp luật PPP; bảo đảm cân đối ngoại tệ cao hơn quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.

Đối với vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị quyết cho phép để lại toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn TTTCQT trong thời gian không quá 10 năm kể từ khi TTTCQT được thành lập để đầu tư hệ thống hạ tầng của TTTCQT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với TTTCQT. Đồng thời, cho phép 02 Thành phố tăng thêm bội chi so với mức bội chi ngân sách địa phương hàng năm đã được Quốc hội quyết định nhưng không vượt quá tổng mức dư nợ vay theo phân cấp của từng địa phương để đầu tư hệ thống hạ tầng của TTTCQT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với TTTCQT.

Nhà đầu tư được phép ứng trước vốn đầu tư để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu tái định cư và các công trình khác có liên quan thuộc phạm vi ranh giới của TTTCQT. Bên cạnh đó, đơn giản hoá thủ tục đầu tư công đối với dự án hạ tầng thuộc TTTCQT, không phải quyết định chủ trương đầu tư, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công; cho áp dụng trình tự thiết kế 01 bước theo quy định của Luật Xây dựng.

Ngoài các chính sách nêu trên, Dự thảo cũng quy định nhiều chính sách đặc thù khác liên quan đến ngoại hối, hoạt động ngân hàng; tài chính, phát triển thị trường vốn; chính sách về xuất, nhập cảnh, cư trú, lao động đối với chuyên gia, nhà đầu tư và chính sách việc làm, an sinh xã hội; chính sách đất đai; xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy; thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech và đổi mới sáng tạo; ưu đãi theo lĩnh vực và chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ; phí, lệ phí; giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.