Hướng tới hoạt động ngân hàng mới, đạt chuẩn trong Trung tâm tài chính quốc tế
Việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong Trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước.

Xây dựng trung tâm tài chính đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế.
Tại sự kiện với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức vào ngày 16/4/2025 tại Hà Nội, ThS. Lưu Ánh Nguyệt - Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, việc thiết lập Trung tâm tài chính quốc tế là thành phố/khu vực có vai trò then chốt trong cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…).
Theo bà Lưu Ánh Nguyệt, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng…
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định là sẽ có những thách thức nhất định.
Đơn cử về hạ tầng và thể chế, hạ tầng kinh tế - xã hội có đóng góp tích cực nhưng còn thiếu đồng bộ, giao thông quá tải, mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đáp ứng chuẩn quốc tế, thiếu quy định về giao dịch xuyên biên giới, bảo vệ nhà đầu tư.
Chia sẻ về tầm quan trọng của lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh -Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực II cho hay, lĩnh vực ngân hàng có vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế, qua đó đảm bảo thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính lĩnh vực ngân hàng phát triển.
“Việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong Trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước”, ông Nguyễn Đức Lệnh nêu rõ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng nhấn mạnh, việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ khác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, NHNN chia sẻ, trong Trung tâm tài chính quốc tế, hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không nhiều mà phải hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế.
Do vậy, việc quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra. Đó là phải thực hiện báo cáo tài chính, chuẩn mực an toàn theo chuẩn quốc tế, nên các nguyên tắc cũng sẽ áp dụng theo thông lệ quốc tế, cần ban hành thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn, tuân thủ theo Basel II nâng cao...
"Việc xây dựng khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, bao gồm cả các quy định về sandbox cho công nghệ tài chính, tài sản mã hóa và tiền điện tử, cũng như áp dụng các tiêu chuẩn thận trọng phù hợp với Basel III, là cần thiết để tạo môi trường hoạt động an toàn và hiệu quả cho trung tâm tài chính quốc tế".
Chuyên gia kinh tế Richard D. McClellan chia sẻ.
Từ góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Mạnh Khôi - Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường của VietinBank cho rằng, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới.
Ông Khôi đề nghị khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường.
Đồng thời đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, cũng như nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số…
Dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế, ông Richard D. McClellan - chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư cho rằng, NHNN cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập lộ trình tuân thủ các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), đảm bảo rằng các quy định về khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) phù hợp với các tiêu chuẩn chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) ngay từ giai đoạn đầu.

Do vậy, NHNN cần thiết kế các cơ chế di chuyển vốn minh bạch và an toàn, có thể triển khai theo từng giai đoạn; đồng thời đảm bảo giám sát chặt chẽ các hoạt động AML/CFT để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách xám của FATF.
Ông Richard D. McClellan cũng bày tỏ tin tưởng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế thành công. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là FATF, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững./.