Australia chuẩn bị mở cửa chính ngạch cho bưởi tươi Việt Nam
Báo cáo cuối cùng về an toàn sinh học do Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) ban hành đã khẳng định, bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu nếu tuân thủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật.

Theo báo cáo, Australia đã hoàn tất đánh giá rủi ro với toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và vận chuyển quả bưởi từ tất cả các vùng sản xuất thương mại ở Việt Nam.
Qua phân tích, DAFF xác định có 19 sinh vật gây hại cần biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo an toàn sinh học. Trong số này, đáng chú ý có rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), rệp sáp và nhện đỏ là những loài đã từng gây ảnh hưởng tới sản phẩm cây có múi của nhiều quốc gia.
Để bảo vệ hệ sinh thái bản địa, Australia đề xuất các biện pháp như vùng trồng không có dịch hại (PFA), xử lý chiếu xạ hoặc Methyl bromide và kiểm tra trực quan trước xuất khẩu. Đặc biệt, với bệnh loét cam, phía Australia yêu cầu áp dụng "Hệ thống tiếp cận" – một chuỗi biện pháp tổng hợp từ vườn trồng đến hậu thu hoạch.
Đáng chú ý, cơ quan kiểm dịch nhấn mạnh, dù được nhập khẩu vào Australia, các sản phẩm bưởi vẫn cần tuân thủ thêm quy định riêng khi vận chuyển giữa các bang.
Việc Australia công nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học của Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho ngành bưởi. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng bưởi cả nước đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, từ 50.000 ha năm 2015 lên hơn 100.000 ha, sản lượng đạt gần 1 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Các giống bưởi như Năm Roi, Da Xanh, Diễn, Tân Lạc... hiện được xuất khẩu sang nhiều thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao như Hoa Kỳ, EU, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, khoảng 5.000 tấn/năm, chủ yếu do hạn chế về quy chuẩn kỹ thuật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Với việc mở cửa thị trường Australia, bưởi Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng trưởng bền vững.