Phối hợp điều hành giá và chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát

Bài 1: Bình ổn thị trường giá cả, “ghìm cương” lạm phát

Bình Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động khó lường, sự phối hợp giữa điều hành giá và chính sách tiền tệ đã trở thành một trong những công cụ then chốt để “ghìm cương” lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam.

Diễn biến tăng/giảm của CPI qua các tháng từ tháng 1/2024 đến tháng 4/2025. Nguồn: Cục Thống kê. Biểu đồ: H.Dịu
Diễn biến tăng/giảm của CPI qua các tháng từ tháng 1/2024 đến tháng 4/2025. Nguồn: Cục Thống kê. Biểu đồ: H.Dịu

Điều hành giá linh hoạt

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước, chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng.

So với tháng 12/2024, CPI tháng 4/2025 tăng 1,37%; so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4 tăng 3,12%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước - kiểm soát tốt ở dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%.

Báo cáo của Cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2025 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giá ổn định.

 

Lạm phát cơ bản tháng 4/2025 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%).

Chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với mức tăng 0,62% chủ yếu do giá thuê nhà tăng 0,57%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,62%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49%; giá điện sinh hoạt tăng 1%; giá nước sinh hoạt tăng 1,57%.

Tiếp đến, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%, chủ yếu tăng ở nhóm đồ trang sức với mức tăng 7,32% theo giá vàng trong nước và thế giới.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng 0,12%, trong đó, lương thực giảm 0,65%; nhóm thực phẩm tăng 0,17%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%.

Ngược lại, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15%; nhóm giao thông giảm 1,05%, trong đó, chỉ số giá xăng giảm 2,83%; chỉ số giá dầu diezen giảm 3,31%; giá ô tô mới giảm 0,16%; giá xe máy giảm 0,06%.

Riêng nhóm giáo dục ổn định, trong đó, giá văn phòng phẩm tăng 0,07%, nhưng dịch vụ giáo dục giảm 0,01% do tỉnh Lào Cai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh trung học cơ sở công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học cơ sở năm học 2024 – 2025.

Những số liệu trên cho thấy, công tác điều hành giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu như dịch vụ công, giáo dục, giao thông cho đến giá thực phẩm, xăng dầu… được giữ ổn định hoặc giảm đã bớt áp lực lên lạm phát kỳ vọng và bảo vệ sức mua của người dân, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Các bộ, ngành đã có biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ảnh: H.Dịu
Các bộ, ngành đã có biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ảnh: H.Dịu

Nền kinh tế được “hưởng lợi”

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhiều lần cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Các giải pháp được thực hiện là đảm bảo thông suốt thị trường; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ, Tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường...

Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia, trong công tác điều hành giá, để ổn định thị trường và kiểm soát lạm phát thì sự phối hợp chính sách luôn quan trọng, nhất là giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.

Chính sách tài khoá với việc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… cùng đảm bảo lưu thông hàng hoá đã và đang tạo ra những kết quả rất tích cực vào thành tích chung của nền kinh tế vĩ mô.

 

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, trong đó, các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể tác động mạnh đến lạm phát.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ nguyên lãi suất điều hành, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,99% so với cuối năm 2024, và tăng trưởng tín dụng đạt 2,49%, cho thấy NHNN đã kiểm soát cung tiền hiệu quả, tránh gây áp lực lạm phát.

Theo chuyên gia kinh tế PGS. TS. Ngô Trí Long, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động từ 3,5-4,5%. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát giá cả.

Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các kịch bản điều hành giá, cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kiểm soát giá dịch vụ công cũng như tăng cường truyền thông để ổn định tâm lý người tiêu dùng, giảm lạm phát kỳ vọng.

Đồng thời, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ không chỉ giúp “ghìm cương” lạm phát mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nội địa.