Bộ Tài chính đồng hành cùng địa phương, gỡ vướng khi thực hiện chính quyền 2 cấp

Trần Huyền

Với tinh thần "đồng hành cùng địa phương - lắng nghe để tháo gỡ", chiều 26/7, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp trực tuyến trao đổi về hướng dẫn triển khai các công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với cấp xã. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.

Kịp thời hướng dẫn công tác tài chính - ngân sách

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược trong tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Từ ngày 01/7/2025, các xã mới sau sáp nhập đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn tại nhiều nơi cho thấy còn không ít khó khăn, vướng mắc: cơ sở vật chất chưa đồng bộ, bộ máy mới lúng túng trong quản lý, một số nơi việc chi trả lương và kinh phí hoạt động chưa kịp thời...

Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Minh Tân, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, bảo đảm công tác tài chính - NSNN được triển khai thông suốt trong quá trình sắp xếp.

Về giao dự toán thu - chi NSNN năm 2025 sau sắp xếp, nguyên tắc xuyên suốt là không để đứt gãy ngân sách. Phân chia nguồn thu giữa ngân sách tỉnh và xã được giữ ổn định, đảm bảo nguồn thu, cơ chế chi như trước khi sắp xếp. Các xã mới được giao toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn ngân sách từ đơn vị cũ. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán 2025 đầy đủ, kịp thời. 

"Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-TTg ngày 27/6/2025 về nội dung này, là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai dự toán liên tục, không gián đoạn", Phó Vụ trưởng Nguyễn Minh Tân cho biết.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, căn cứ Luật NSNN, Bộ đã hướng dẫn địa phương rà soát, trình HĐND ban hành nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa tỉnh và xã. Nguyên tắc là rõ thẩm quyền, đúng luật, phù hợp thực tiễn, để chính quyền xã mới quản lý ngân sách chủ động, minh bạch.

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn địa phương chủ động xác định đơn vị dự toán ngân sách cấp I, cấp II, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Đồng thời, hướng dẫn lập dự toán ngân sách xã năm 2026 theo Thông tư số 56/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính, bảo đảm xây dựng dự toán và kế hoạch tài chính 3 năm (2026-2028) bài bản, sát thực tế.

Tháo gỡ các vướng mắc phát sinh

Tại cuộc họp, giải đáp vướng mắc của địa phương về đơn vị dự toán ngân sách cấp xã, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN Nguyễn Minh Tân thông tin, Văn phòng Đảng ủy xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND xã là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách xã.

Đối với các phòng chuyên môn và Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc UBND xã, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, UBND các địa phương hướng dẫn UBND xã xác định lựa chọn đơn vị được UBND xã giao dự toán (đơn vị dự toán cấp l) cho phù hợp.

Trả lời kiến nghị của địa phương liên quan đến ô tô công trang bị cho đơn vị hành chính cấp xã mới, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho hay, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định định mức cụ thể cho từng đơn vị hành chính cấp xã, điều hòa xe ô tô từ cấp huyện cho cấp xã theo tiêu chuẩn, định mức.

Trường hợp số xe ô tô hiện có của cấp huyện trước ngày 01/7/2025 không đủ để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới thì điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh hoặc mua sắm mới để trang bị cho đơn vị hành chính cấp xã mới để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo tiêu chuẩn, định mức.

Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở khi sắp xếp đơn vị hành chính, Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, tại Nghị định số 155/2025/NĐ-CP ngày 16/6/2025 của Chính phủ đã quy định rõ.

Theo đó, đối với trụ sở có phần diện tích lớn hơn so với tiêu chuẩn, định mức thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển phần diện tích này cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác quản lý, sử dụng nếu phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu. Trường hợp không có cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp để giao, điều chuyển thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận trụ sở quản lý, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả...

Trong lĩnh vực kho bạc, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, hiện nay qua thống kê sơ bộ vẫn còn nhiều đơn vị dự toán cấp xã chưa mở tài khoản tại kho bạc.

Ông Cường chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng trên như: Chưa có Nghị quyết của HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi nên chưa được giao dự toán chi; Chưa hoàn thiện hệ thống bộ máy tài chính kế toán xã, chưa bổ nhiệm kế toán trưởng, chủ tài khoản; Chưa đủ mẫu dấu chữ ký để giao dịch; Các đơn vị chưa năm rõ thủ tục mở tài khoản và giao dịch với Kho bạc Nhà nước do nhân sự thay đổi nhiều sau sắp xếp.

Do đó, đại diện Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đăng ký và sử dụng tài khoản của các đơn vị cấp xã tại Kho bạc Nhà nước khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. 

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Sở tài chính hướng dẫn, xác định rõ số lượng và các đơn vị dự toán cấp xã để các xã có căn cứ triển khai thực hiện. Đối với trường hợp HĐND, UBND chưa quyết định dự toán ngân sách, Sở tài chính chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước hướng dẫn đơn vị dự toán cấp xã thực hiện đối với việc tạm cấp ngân sách theo quy định tại Luật NSNN.

Đối với các xã, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ nhiệm kế toán trưởng, chủ tài khoản; mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện chi NSNN, đặc biệt là các khoản chi thiết yếu. Trường hợp chưa có dự toán, cần gửi hồ sơ tạm cấp sang Sở tài chính để Sở tài chính có ý kiến gửi Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm cấp chi lương và các khoản chi thiết yếu cho các xã để đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước.

Sẵn sàng đồng hành cùng địa phương

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị thống nhất cách phản ánh, tổng hợp, giải quyết thông tin vướng mắc của các địa phương khi thực hiện chính quyền 2 cấp. Theo Thứ trưởng, ngày 15/7, Bộ Tài chính đã công bố đường dây nóng và lãnh đạo để liên hệ trong từng lĩnh vực.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong mỗi lĩnh vực cần lập các nhóm thành viên trên các nền tảng như zalo, viber… với sự tham gia của các địa phương, các cơ quan liên quan để tiếp nhận phản ánh, giải đáp kịp thời những vướng mắc phát sinh của các xã, phường, đặc khu.

Đối với các nội dung giải đáp của các đơn vị đối với vướng mắc của địa phương, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ tổng hợp thành nội dung câu hỏi, trả lời chi tiết và cụ thể, cung cấp lên hệ thống drive để các các địa phương tiếp tục nghiên cứu.

Qua các ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá, những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn các địa phương nêu chủ yếu, cơ bản liên quan đến thẩm quyền của địa phương như các vấn đề liên quan đến dự toán, con dấu... Do đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở Tài chính tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các nội dung về tài chính ngân sách, tài sản công để đảm bảo không ách tắc.

Đề cập đến khó khăn của các địa phương về bổ nhiệm người làm kế toán trưởng, Thứ trưởng giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì rà soát, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Lãnh đạo Bộ ngay trong tuần tới để giải quyết rốt ráo.

Liên quan đến kiến nghị của địa phương về đào tạo, tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính sẵn sàng tập huấn, đào tạo cán bộ tài chính cho địa phương các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

"Bộ Tài chính sẽ đồng hành cùng các địa phương, không để vướng mắc về tài chính - ngân sách, kế toán, tài sản công khi triển khai mô hình chính quyền 2 cấp", Thứ trưởng nhấn mạnh.