"Sửa Luật Quản lý vốn nhà nước: Đòn bẩy mới cho doanh nghiệp thời kỳ chuyển mình"
Bài 1: "Trao quyền tự chủ – Siết chặt quản lý: Hướng tới hiệu quả sử dụng vốn nhà nước"
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình doanh nghiệp nhà nước. Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là nền tảng pháp lý mới, hiện đại, đồng bộ, góp phần quan trọng vào tiến trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dự thảo Luật Quản Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đã được rà soát, hoàn thiện với nhiều nội dung thay đổi mạnh mẽ so với Luật số 69/2024/QH13. Nhiều quy định mới đã được đề xuất nhằm tăng sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh kinh tế mới.
Phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước
Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) được ban hành và triển khai thực hiện đã góp phần đưa việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai trên thực tế, những quy định của Luật này đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như tên; phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm “sử dụng vốn”, “vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”, dẫn đến chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp dưới 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp có vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp có vốn góp của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp dẫn đến khoảng trống về pháp lý, việc tổ chức thực hiện không bảo đảm thống nhất.
Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chưa được thể hiện đầy đủ.
Theo đánh giá, việc sửa đổi căn bản, toàn diện và ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) thay thế Luật số 69 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh kinh tế mới; đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Quản lý dòng vốn nhà nước, không quản lý doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 12-NQ/TW về Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu.
Về nội dung, Dự thảo cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2015 (Luật số 69).
Đồng thời, Dự thảo đã giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp... Theo báo cáo của Chính phủ, Dự thảo Luật đã cắt giảm 7/24 (khoảng gần 30%) thủ tục, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm “người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”. Quy định này đã bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo đúng Kết luận số 4348/TB-TTKQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt, ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn”.
Dự thảo Luật cũng kế thừa Luật số 69 về việc doanh nghiệp F1 quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định về quản lý doanh nghiệp F2. Tuy nhiên, không quy định đối tượng áp dụng gồm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (doanh nghiệp F2).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Thường trực Ủy ban cho rằng quy định như vậy là phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo cơ quan thẩm tra, đã thay đổi căn bản so với Luật số 69, phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay.
Bên cạnh đó, để tăng cường phân quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, Dự thảo Luật lần này đã thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhấn mạnh quan điểm ủng hộ việc sửa đổi luật một cách căn bản, mạnh mẽ để phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm, làm rõ hơn các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, đảm bảo khả thi, minh bạch, đồng bộ.
Làm rõ thêm một số nội dung, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật lần này có những thay đổi căn bản so với Dự thảo trước đây, với sự tham gia góp ý nhiều vòng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Dù chưa toàn diện, nhưng Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay đổi căn bản tại Dự thảo lần này là đối tượng quản lý. Luật trước đây quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia; còn Luật này chỉ quản phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Với sự thay đổi chủ thể như vậy, các quy định đã được thông thoáng hơn.
Về doanh nghiệp F1, F2, sau nhiều lần thảo luận, Chính phủ đã quyết định chỉ quản lý doanh nghiệp F1, không quản lý đến doanh nghiệp F2. Với nhóm doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, Dự thảo quy định chỉ quản lý thông qua người đại diện vốn. “Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, người đại diện vốn có thể đề xuất tăng vốn; ngược lại, nếu kém hiệu quả, rủi ro, người đại diện có thể đề xuất giảm vốn”, Bộ trưởng cho hay.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định giao Chính phủ quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư khác trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành.
Để hạn chế rủi ro, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ đề xuất bổ sung các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư.
Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, quy định này nhằm tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, theo điều hành trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ ban hành các quy định về hạn chế phù hợp để tránh dàn trải, lãng phí trong hoạt động đầu tư ngoài ngành, tùy theo tình hình sản xuất kinh doanh, phát triển của đất nước. Do đó, đề nghị cho phép giữ như dự thảo để khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng lãng phí, thất thoát.