Bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần thực hiện an sinh xã hội toàn dân
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó có nhiều nội dung mới về bảo hiểm xã hội tự nguyện. TS.Đỗ Thị Thu- Giảng viên chính Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng, người từng nghiên cứu và xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam”, đã có những bàn luận xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu chuyên sâu về chính sách này, bà có bình luận gì về những điểm mới về bảo hiểm xã hội tự nguyện trong Luật Bảo hiểm xã hội mới?
TS.Đỗ Thị Thu: Theo Luật BHXH 2024, người thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Khoản 4 Điều 2. Bao gồm: công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.
Ngoài ra, so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện được bổ sung thêm nhóm lao động đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, được quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 nhưng đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.
Quy định này nhằm đảm bảo tính liên thông giữa Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tham gia liên tục vào hệ thống Bảo hiểm xã hội ngay cả khi có những biến động về tình trạng việc làm.
Đáng chú ý là trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được mở rộng cho một số nhóm lao động bao gồm: chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; các cán bộ không chuyên trách cấp xã/phường, thôn và tổ dân phố (thay vì chỉ áp dụng đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã/phường, thị trấn như trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Bên cạnh đó, mục e Khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng bổ sung nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là dân quân thường trực. Việc mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc này cũng đồng nghĩa với việc giảm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, đây là quy định phù hợp với các định hướng giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 28/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, vừa đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động trong các khu vực kinh tế chính thức theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về thiết kế hệ thống Bảo hiểm xã hội.
Phóng viên: Còn nhớ, trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chính sách hỗ trợ người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã góp phần không nhỏ để “kích thích” người dân tham gia nhiều hơn. Vậy trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, theo bà, điểm mới nào sẽ có tác động hiệu quả nhất ?
TS.Đỗ Thị Thu: Năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành đã sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến Bảo hiểm xã hội tự nguyện so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Nhiều quy định được điều chỉnh góp phần khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện như: bỏ quy định tuổi trần tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; thay đổi các quy định cụ thể đối tượng và mức hưởng các chế độ của Bảo hiểm xã hội tự nguyện như chế độ thai sản, tử tuất; giảm mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện từ mức lương tối thiểu sang mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn; hỗ trợ mức đóng cho các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ khác từ kinh phí ngân sách nhà nước.
Trong đó, quy định bỏ trần độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã góp phần giúp cho nhiều người dân được tham gia Bảo hiểm xã hội ở độ tuổi đã nghỉ hưu để đảm bảo số năm đóng tối thiểu và được hưởng lương hưu hàng tháng. Đồng thời, quy định hỗ trợ mức đóng đã góp phần thu hút người dân tham gia mạnh mẽ hơn vào hệ thống Bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động có thu nhập thấp.
Tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Bảo hiểm xã hội tự nguyện được bổ sung chế độ thai sản và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, Vệ sinh lao động. Việc mở rộng các chế độ ngắn hạn này được đánh giá là phù hợp với nguyện vọng của nhiều người lao động hiện đang và có nhu cầu tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các nghiên cứu về yếu tố tác động đến quyết định tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thấy bên cạnh mức thu nhập thấp, thì yêu cầu cân đối chi tiêu cho các mục tiêu ngắn hạn là những rào cản hạn chế sự tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính vì vậy, việc bổ sung các chế độ ngắn hạn như chế độ thai sản và chế độ tai nạn lao động sẽ giúp thu hút sự tham gia của người lao động trẻ tuổi.
Phóng viên: Năm 2024 vừa qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và lần đầu tiên cán mốc khoảng 2,3 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo bà, đà phát triển này có tiếp tục được duy trì mạnh trong thời gian tới hay không? Đâu sẽ là những khó khăn thách thức chủ yếu, thưa bà?
TS.Đỗ Thị Thu: Với tỷ lệ lao động phi chính thức lớn, Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam được đánh giá là giải pháp quan trọng, tiếp tục phát huy vai trò hơn nữa trong việc mở rộng bao phủ Bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.
Rất mong rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đổi mới về quy định chính sách phù hợp với nguyện vọng của người lao động, thì thời gian tới, chương trình Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ mở rộng đối tượng bao phủ mà còn nâng cao mức phúc lợi cho người dân khi tham gia hệ thống, đảm bảo tính liên thông, tính thuận tiện cho người dân trong suốt quá trình đăng ký tham gia, đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội.
Phóng viên: Để phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự hiệu quả, rất cần sự tham gia của người dân trong một khoảng thời gian dài, từ 15 năm trở lên. Vậy theo bà, trong khâu tuyên truyền vận động cũng như tổ chức thực hiện, các thủ tục hành chính liên quan, chúng ta cần có sự thay đổi như thế nào?
TS.Đỗ Thị Thu: Thông tin và truyền thông là một trong các yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng người lao động tiếp cận hệ thống Bảo hiểm xã hội nói chung và chương trình Bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng.
Thông tin về các quy định chính sách, các hướng dẫn đăng ký tham gia cũng như các thủ tục đóng - hưởng cần được phổ biến rộng rãi, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện để người dân nắm bắt và nhận biết được rõ những quyền lợi của mình khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như dễ dàng và thuận tiện trong việc tham gia hệ thống.
Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong hệ thống Bảo hiểm xã hội nhằm tinh gọn các thủ tục hành chính, đảm bảo tính liên thông chặt chẽ và thông suốt trong cả quá trình đăng ký tham gia - đóng - hưởng Bảo hiểm xã hội sẽ là điều kiện quan trọng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa chương trình Bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu là bao phủ an sinh xã hội toàn dân.
Phóng viên: Xin được cảm ơn những chia sẻ của Bà!