Doanh nghiệp cần nguồn vốn tín dụng tiếp sức chuyển đổi xanh

Thu Dịu

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Song các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh: T.D
Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh. Ảnh: T.D

Nhiều thách thức trên hành trình chuyển đổi xanh

Ngày 1/7, thông tin về kinh tế tuần hoàn phục vụ chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập toàn cầu tại Diễn đàn Thương mại Xanh 2025, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Song các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế.

Kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp niêm yết, trong đó 73% cho rằng việc thiếu quy định minh bạch là thách thức chính của họ trong việc thực hành ESG. Nhiều ý kiến cũng cho biết thiếu sự lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy các cam kết ESG.

Bên cạnh đó, theo PGS TS Nguyễn Hồng Quân, quá trình chuyển đổi xanh (yêu cầu thiết yếu) trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức như tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước.

Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại xanh. 
Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại xanh. 

Về xuất khẩu xanh đáp ứng các thị trường khó tính, trong đó có EU, ông Nicolas Lockhart, Viện Nghiên cứu Thương mại Thế giới (World Trade Institute) cho rằng, khi đề cập đến Thỏa thuận xanh của EU, yếu tố đầu tiên và bắt buộc là sự minh bạch. Doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải sẵn sàng cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của sản phẩm, bởi EU có hệ thống thẩm định rất chặt chẽ.

Theo ông Nicolas Lockhart, không chỉ chất lượng sản phẩm mà cả bao bì, quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt liên quan đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Do đó, các công ty Việt Nam cần khai báo trung thực mọi thông tin liên quan.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý xác định rõ các quy định của EU có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của mình; chủ động điều chỉnh để thích ứng; và hiểu rõ nhóm khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình tuân thủ rõ ràng, rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm theo tiêu chuẩn EU, đặc biệt là các cơ chế mới như CBAM, nếu muốn thâm nhập và phát triển bền vững tại thị trường này.

Từ thực tế doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Mebi Farm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn  Lâm Thúy Ái cho biết, đầu tư về môi trường rất khó. Chẳng hạn như trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng đầu tư tốn tới hàng trăm tỷ đồng; riêng tiền xử lý nước thải lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tuy vậy, cũng giống như nhiều nông dân khác, doanh nghiệp cũng rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” trong khi đầu vào quá lớn. Theo đuổi sản xuất xanh và sạch rất tốn kém, nặng vốn, không thể rẻ được, "nhưng lỗ quá doanh nghiệp không sống được". Do đó, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trực tiếp về nguồn vốn.

Cần quỹ tín dụng xanh tiếp sức

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn Lương Nguyễn Xuân Vũ cho biết, quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các doanh nhân đã nhận thức đầy đủ xu thế này, dù mức độ nhận thức tầm quan trọng có khác nhau nhưng việc thực hiện cũng gặp một số khó khăn.

Việc đầu tư sản xuất xanh có thể là một gánh nặng thêm với doanh nghiệp bởi phải gánh thêm các chi phí. Có thể tăng giá sản phẩm nhưng chỉ là trên lý thuyết, đây cũng là bài toán khó khi mà tăng giá làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, cho nên phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian trước mắt.

Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài thì không đáp ứng được tiêu chuẩn của nước ngoài, do tiêu chuẩn Việt Nam chưa đồng bộ với tiêu chuẩn thế giới.

Mặt khác áp lực trong chuỗi cung ứng, các nhà cung ứng cũng phải “xanh”, tức là bị cạnh tranh đầu vào.

Từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp đề xuất Nhà nước cần có quỹ tín dụng xanh, với nguồn vốn lớn liên kết với phía ngân hàng, buộc các ngân hàng dành một tỷ lệ nhất định cho sản xuất xanh. Nếu cho vay sản xuất xanh mà như cho vay thông thường thì không bật lên được.

Đồng thời, ưu đãi về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xanh. Trong đầu tư công, Nhà nước nên quan tâm ưu tiên mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất xanh.

Chia sẻ về nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) Nguyễn Quang Thanh cho hay, mỗi dự án có thể được cho vay tới 200 tỷ đồng trong thời gian 7 năm với lãi suất 0%.

Ngoài ra, với các dự án đặc biệt, cũng có thể cho vay tới 1.200 tỷ đồng, thời gian vay kéo dài đến 10 năm. HFIC xác định làm thì phải có hiệu quả và luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp với điều kiện bên vay đáp ứng danh mục lĩnh vực ưu tiên của TP. Hồ Chí Minh như: hoạt động trong ngành cơ khí tự động hóa, chế biến thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, môi trường (xử lý nước thải, rác thải), hoạt động sản xuất xanh…