“Bùng nổ” phát hành nhóm trái phiếu ngân hàng

Lê Thu

Trong tháng 6/2025, các đợt phát hành trái phiếu mới từ các doanh nghiệp đạt cao nhất từ trước đến nay, với sự “bùng nổ” của nhóm ngân hàng.

Nhóm Ngân hàng tiếp tục là đầu kéo phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhóm Ngân hàng tiếp tục là đầu kéo phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 của Công ty chứng khoán MBS vừa công bố ghi nhận những thông tin sôi động, khi có tới 106 đợt phát hành mới từ các doanh nghiệp trong tháng 6/2025.

Tổng giá trị phát hành thành công ước tính khoảng 123.700 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ và là giá trị phát hành theo tháng cao nhất từ trước đến nay.

Lũy kế trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị phát hành đạt hơn 265.800 tỷ đồng, tăng 91,3% so với cùng kỳ. Lãi suất bình quân gia quyền ước đạt khoảng 6,8%, thấp hơn so với mức trung bình 7,2% của năm ngoái.

Trong đó nhóm Ngân hàng tiếp tục là đầu kéo với giá trị phát hành đạt hơn 98,5 nghìn tỷ đồng (tăng 103% so với tháng trước, tăng 91% so với cùng kỳ), chiếm 80% tổng giá trị phát hành.

Các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất trong tháng bao gồm: ACB (24,8 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 – 36 tháng, lãi suất 4,95% - 5,6%), Techcombank (16,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng, lãi suất 5% - 5,1%), MBB (14,7 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 - 120 tháng, lãi suất 5% - 6,48%). 

Lũy kế từ đầu năm, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất (chiếm 75% tổng giá trị phát hành) với gần 198,5 nghìn tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ tương đương 67% tổng giá trị phát hành của cả năm 2024. Lãi suất bình quân gia quyền ở mức 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 4,4 năm.

Các ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm đến nay bao gồm: TCB (37 nghìn tỷ đồng), ACB (29,2 nghìn tỷ đồng), và  BIDV (17,8 nghìn tỷ đồng).

Theo chứng khoán MBS, xu hướng đẩy mạnh hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng cho thấy nhu cầu gia tăng vốn trung và dài hạn. Đặc biệt trong bối cảnh tín dụng bất ngờ tăng tốc trong tháng cuối quý II lên mức 9,9% khi lãi suất huy động vẫn giữ mặt bằng thấp. Ước tính tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn khoảng 1,3 - 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Bên cạnh đó, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6 vừa qua cũng rất sôi động. 

Cụ thể, trong tháng 6, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 63,6 nghìn tỷ đồng, tăng 193% so với tháng trước, và tăng 150% so với cùng kỳ.

Trong đó, nhóm ngành Ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất 83,7% với tổng giá trị mua lại ước tính đạt gần 53,3 nghìn tỷ đồng (tăng 166% so với cùng kỳ). Ngoài ra, giá trị mua lại của nhóm ngành Dịch vụ cũng tăng mạnh hơn 9 lần so với cùng kỳ khi đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3% tổng giá trị mua lại trong tháng.

Lũy kế 6 tháng năm 2025, khoảng 125 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn (tăng 68% so với cùng kỳ), với đóng góp chủ yếu từ hoạt động mua lại của nhóm Ngân hàng (tăng 54% so với cùng kỳ) và nhóm bất động sản (tăng 142% so với cùng kỳ).

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Xếp thứ 2 trong danh sách huy động vốn từ trái phiếu là nhóm bất động sản, với tổng giá trị phát hành 40.200 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi suất bình quân gia quyền ở mức 10,5%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,5 năm, cao hơn nhiều so với các ngân hàng.

Các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp An Thịnh…

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý II/2025 của S&I Rating (Công ty chứng khoán SSI) cũng nhận định các ngân hàng đang gia tăng phát hành trái phiếu nhằm tận dụng mặt bằng lãi suất thấp để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn... Điều này giúp giảm áp lực lên huy động tiền gửi và tạo điều kiện duy trì lãi suất huy động ở mức thấp nửa đầu năm, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hoạt động mua lại trước hạn diễn ra mạnh mẽ vào quý II/2025 với giá trị hơn 96.000 tỷ đồng - mức cao nhất theo quý từ trước tới nay.

Theo các chuyên gia, diễn biến này phản ánh nỗ lực tái cơ cấu nợ của các tổ chức phát hành khi thị trường có phần khởi sắc trở lại và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức khá hấp dẫn.

Hiện, Chính phủ đang đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục triển khai dự án và cải thiện dòng tiền. Khi dự án được khơi thông pháp lý và đủ điều kiện triển khai, doanh nghiệp có thể sử dụng dự án làm tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng.