Cà Mau: Có đến 6 chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào
Đó là thông tin được ông Trần Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Cà Mau, cho biết tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau hợp nhất của tỉnh Cà Mau vừa qua.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài Chính Cà Mau Trần Công Khanh, đến tháng 6/2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng và gấp 1,35 lần so với kế hoạch năm 2024.
Đây là nguồn lực quan trọng nhằm tập trung đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm còn thấp và nhiều mặt còn hạn chế so với các địa phương khác. Đồng thời, nguồn vốn này cũng giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, với chức năng dẫn dắt, kích hoạt nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Tuy nhiên theo ông Trần Công Khanh, tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh Cà Mau mới giải ngân vốn đầu tư công được trên 3,1 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% kế hoạch vốn. Trong đó có 24 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình; 17 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh, đặc biệt có 6 chủ đầu tư chưa giải ngân.
“Trong khi khối lượng thực hiện và kế hoạch vốn cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2025 cảu tỉnh Cà Mau là rất lớn, lên tới hơn 8,8 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, việc triển khai quyết liệt, khẩn trương các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là cấp thiết”, ông Trần Công Khanh cho biết.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh cần có các biện pháp mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân tại 5 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh (ngoại trừ Ban Quản lý dự án Nông nghiệp).
Theo Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, một trong những khó khăn hiện nay là sau khi giải thể cấp huyện và thành lập các Ban Quản lý dự án khu vực, mặc dù khối lượng thi công vẫn được triển khai theo tiến độ, nhưng tỷ lệ giải ngân lại không có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Trong khi đó nhiều ý kiến cho rằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần tập trung tháo gỡ bài toán khan hiếm vật liệu xây dựng, yếu tố đang khiến giá cả bị đẩy lên, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án.
Bên cạnh đó, cần sớm thành lập tổ giám sát, chỉ đạo tiến độ giải ngân; đẩy mạnh công tác công bố bảng giá đất tại cơ sở; đồng thời, phát huy vai trò Trung tâm Phát triển quỹ đất trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thúc đẩy triển khai dự án.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại chỉ đạo, đối với các công trình, dự án mang tính liên phường, liên xã thì cần chuyển giao cho Ban Quản lý dự án khu vực hoặc Ban Quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh để thực hiện quản lý và điều hành.
Riêng các công trình, dự án trước đây thuộc địa bàn xã, phường nào và sau khi sáp nhập vẫn nằm trong phạm vi xã, phường mới tương ứng thì sẽ do Ban Quản lý dự án của xã, phường đó tiếp tục quản lý.
Các sở, ngành và đơn vị cấp tỉnh phải chủ động phân công cán bộ hỗ trợ cơ sở với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi khâu công việc, mỗi nhiệm vụ cần được thực hiện với tư duy đổi mới, hành động thực chất, bám sát thực tiễn và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.
Mỗi cá nhân, bộ phận, cơ quan phải nâng cao ý thức trách nhiệm, kịp thời điều chỉnh cách làm phù hợp, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của cơ sở để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.