Năng lượng tái tạo Việt Nam: Mở “van” hút vốn ngoại, gỡ nút thắt chính sách
Với nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện ở mức cao, Việt Nam cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho rằng, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, Việt Nam cần sớm cải thiện khung pháp lý và chính sách đầu tư.
Phóng viên: Xin ông cho biết về thực trạng hiện tại của Việt Nam trong cuộc đua thu hút dòng vốn FDI vào ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia trong khu vực?
Ông Đinh Tuấn Minh: Việt Nam hiện đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo từ năm 2019. Hơn nữa, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhưng cho đến nay vẫn chưa được khai thác triệt để.
Hiện Chính phủ cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, đặt phát triển năng lượng tái tạo trở thành trọng tâm trong chiến lược an ninh năng lượng dài hạn của Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) được điều chỉnh vào tháng 4/2025, nguồn năng lượng tái tạo sẽ đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030 và lên đến 74 - 75% vào năm 2050.
Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật ở Việt Nam khoảng 221.000 MW).
Tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 - 17.032 MW, dự kiến vận hành giai đoạn 2030 - 2035, định hướng đến năm 2050 đạt 113.503 - 139.097 MW.
Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời đạt 46.459 - 73.416 MW; định hướng đến năm 2050 đạt tổng công suất 293.088 - 295.646 MW.
Về thu hút FDI nói chung, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công. Tuy nhiên, việc thu hút FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo lại có dấu hiệu chững lại đáng kể từ năm 2022.
Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục cho thấy sự ổn định, Indonesia và Philippines đang có những chuyển động rất tích cực để thu hút đầu tư.
Bối cảnh này càng trở nên cấp thiết khi nhu cầu năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng rất nhanh, cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, nên để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, đòi hỏi phải có một nguồn vốn đầu tư khổng lồ để đáp ứng, trong khi nguồn vốn trong nước chưa đủ thực hiện.
Phóng viên: Đâu là những cơ hội và “nút thắt” chính yếu nào đang cản trở Việt Nam trong việc phát huy hết tiềm năng thu hút FDI vào lĩnh vực này, thưa ông?
Ông Đinh Tuấn Minh: Việt Nam có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển và thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Về "địa lợi", đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, với tiềm năng điện gió trên bờ vượt trội, tiềm năng điện mặt trời chỉ đứng sau Indonesia, tiềm năng điện gió ngoài khơi được đánh giá tương đương với Đài Loan - một trong những thị trường hàng đầu thế giới.
Về "nhân hòa", đó là sự ổn định chính trị, chính sách kinh tế nhất quán và tăng trưởng khá cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ngoại tệ ổn định… tạo ra môi trường vĩ mô an toàn cho các nhà đầu tư. Yếu tố "thiên thời" chính là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, những thách thức không hề nhỏ. Thậm chí, những "nút thắt" nếu không được tháo gỡ kịp thời, thì chúng ta có thể lỡ “con tàu” phát triển.
Đó là môi trường pháp lý khi thủ tục cấp phép kinh doanh phức tạp, mất nhiều thời gian; gánh nặng hành chính còn tương đối cao và khuôn khổ chính sách chưa thực sự rõ ràng. Việt Nam đã chấm dứt cơ chế giá FiT và chuyển sang cơ chế giá đấu thầu nhưng chưa có quy định chi tiết, dẫn đến làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, hạ tầng lưới điện, hệ thống truyền tải điện chưa đủ khả năng đáp ứng sự gia tăng công suất nhanh chóng từ các dự án năng lượng tái tạo. Tình trạng dư thừa năng lượng tại nguồn phát nhưng thiếu hụt ở nơi tiêu thụ là một nghịch lý cần sớm được giải quyết.
Cuối cùng là những thách thức liên quan đến huy động vốn và rủi ro dự án. Quy hoạch điện VIII đặt ra nhu cầu vốn lên tới 136,3 tỷ USD, một con số khổng lồ mà chỉ nguồn vốn trong nước không thể đáp ứng. Tuy nhiên, thị trường vốn trong nước chưa đủ phát triển, trong khi các nhà đầu tư quốc tế lại e ngại những rủi ro liên quan đến hợp đồng mua bán điện (PPA) chưa thực sự theo chuẩn quốc tế, nguy cơ cắt giảm sản lượng điện và những rủi ro trong việc phê duyệt, cấp phép dự án.
Phóng viên: Từ việc nhận diện rõ các cơ hội và thách thức, ông đề xuất nhóm giải pháp nào để Việt Nam có thể khơi thông dòng vốn FDI chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?
Ông Đinh Tuấn Minh: Giải pháp đầu tiên là phải cải thiện khung pháp lý và chính sách đầu tư. Chính phủ cần sớm ban hành một cơ chế giá điện đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và dài hạn. Đặc biệt, với lĩnh vực điện gió ngoài khơi có vốn đầu tư lớn và thời gian phát triển dài, chúng ta cần một khung pháp lý riêng, ổn định, cùng với các chính sách khuyến khích tài chính trong giai đoạn đầu. Song song đó là quyết liệt đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
"Việt Nam phải thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, từ sản xuất thiết bị đến dịch vụ kỹ thuật.
Điều này đòi hỏi phải cải thiện hệ thống đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao và có chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.
Chỉ khi có nội lực mạnh, chúng ta mới có thể hợp tác một cách bình đẳng và tận dụng tối đa lợi ích từ dòng vốn FDI" , chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.
Thứ hai là nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện. Điều này cần có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ, tích hợp các công nghệ quản lý lưới điện thông minh để vận hành hệ thống một cách linh hoạt và hiệu quả; đồng thời mở rộng hợp tác, kết nối lưới điện với các quốc gia trong khu vực.
Thứ ba là cần thu hút FDI chất lượng cao thông qua các cơ chế khuyến khích hiệu quả. Việc này không chỉ giúp huy động vốn mà còn tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và nâng cao.
Chính sách cần ưu tiên những doanh nghiệp thực sự có năng lực công nghệ và tài chính vững mạnh; đồng thời khuyến khích và có cơ chế ràng buộc về việc chuyển giao công nghệ, tăng cường đối thoại thường xuyên với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Cuối cùng, một giải pháp mang tính bền vững là phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao năng lực nội địa, nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!