Cần có phương án khả thi để giảm mặt bằng giá bất động sản

Thu Hiền

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025 hứa hẹn một bức tranh đa sắc với sự giao thoa giữa cơ hội và thách thức, tạo nên một không gian kinh doanh vừa sôi động vừa đòi hỏi bản lĩnh của các chủ thể. 

Quang cảnh Hội nghị.  Ảnh: Thu Hiền
Quang cảnh Hội nghị.  Ảnh: Thu Hiền

 Thị trường vẫn tồn tại những vấn đề đáng lo ngại

Tại Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Gặp mặt Hội viên Thường niên 2025 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức ngày 9/5, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA cho biết, Đất nước đang chứng kiến hàng loạt những đổi mới sâu rộng từ tư duy đến hành động, được thể hiện qua những đột phá về thể chế; chủ trương tinh giản bộ máy, sáp nhập các bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, sự kiện 3 đạo luật quan trọng liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản (BĐS) gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo ra những tiền đề tích cực, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và hứa hẹn một sự khởi sắc cho toàn thị trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNREA nhấn mạnh, thị trường BĐS vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng lo ngại.

Cụ thể, giá đất theo bảng giá đất của gần 30 tỉnh, thành phố đã ban hành ở mức cao; tồn tại hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi" giá bởi đầu cơ và môi giới; nguồn cung nhà ở thiếu hụt, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

"Tình trạng thiếu hụt nguồn cung bị ảnh hưởng bởi các khó khăn của doanh nghiệp bất động sản liên quan đến thủ tục pháp lý, quy hoạch, xác định giá đất, giải phóng mặt bằng và năng lực tài chính hạn chế", ông Nguyễn Văn Khôi nói.

Trong bối cảnh đó, VNREA tiếp tục khẳng định vai trò là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp quốc gia của doanh nghiệp BĐS. Hiệp hội đã thể hiện sự chủ động trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe những khó khăn từ thực tế thị trường và tích cực tìm kiếm các giải pháp thiết thực.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA.  Ảnh: Thu Hiền
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA.  Ảnh: Thu Hiền

Chủ tịch VNREA nhận định, năm 2025 mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam trong 20 năm tới, với mục tiêu rõ ràng là vươn mình trở thành quốc gia thịnh vượng.

Trong tiến trình đó, thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.  Do đó, việc phân tích kỹ lưỡng các triển vọng và thách thức của thị trường BĐS trong năm 2025 là điều cấp thiết.

Để tận dụng hiệu quả các triển vọng và vượt qua các thách thức, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội, nhằm xây dựng một thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.  

Thị trường bất động sản có khả năng phục hồi chậm

Chia sẻ tại hội nghị, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho hay, thời gian qua, cả nền kinh tế Việt Nam và thị trường BĐS đã phải đối mặt với không ít sóng gió, thách thức xuất phát từ những biến động phức tạp cả trong nước và quốc tế. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Những trở ngại trong lĩnh vực BĐS không chỉ tác động tiêu cực đến chính ngành mà còn kéo theo hệ lụy cho nhiều ngành nghề khác, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển chung của đất nước", bà Tống Thị Hạnh nhấn mạnh.

Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng. Ảnh: Thu Hiền
Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng. Ảnh: Thu Hiền

Theo bà Hạnh, nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường BĐS, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường.

Hàng loạt cơ chế, chính sách pháp luật đã được ban hành, sửa đổi và bổ sung kịp thời, cùng với đó là những giải pháp và chỉ đạo quyết liệt, sâu sát nhằm khơi thông dòng chảy, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển một cách an toàn, lành mạnh và bền vững, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của các ngành kinh tế khác.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng ghi nhận thời gian qua, VNREA đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia xây dựng các chính sách quan trọng, là kênh thông tin tin cậy phản ánh một cách khách quan những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải, kiến nghị lên quan nhà nước có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, bà Hạnh cho biết, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển phân khúc này.

Bộ Xây dựng cũng đã trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở xã hội; trong đó có đề xuất hàng loạt giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của nhân dân.

Theo đó, tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, để phân khúc này thực sự bứt phá, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, năng lực tài chính cũng như chất lượng sản phẩm. Không chỉ đáp ứng tiến độ mà còn đảm bảo mục tiêu về chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình, thấp.

Nhận định về triển vọng thị trường, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, năm 2025 thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong tiến trình phục hồi. Giai đoạn 2025 - 2026, thị trường BĐS có khả năng phục hồi chậm.

Đáng chú ý, thị trường đang vướng mắc trong công tác tính tiền sử dụng đất; tình trạng đấu giá tiền sử dụng đất còn tồn tại nhiều bất cập; các văn bản hướng dẫn thi hành luật và nghị quyết mới chậm được ban hành…

Lưu ý giá nhà, đất đang quá cao so với thu nhập của người dân, chuyên gia nhấn mạnh, với đà tăng giá như hiện tại, công chức bình thường phải mất gần 26 năm mới mua được chung cư.

Một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao được chuyên gia này chỉ đích danh là do tình trạng "thổi" giá vẫn còn tồn tại trên thị trường, trong đó phải kể đến các vụ đấu giá đất bất thường, hiện tượng cò mồi thao túng thị trường nhà ở xã hội… điều này khiến giá bị đẩy lên mức không phản ánh đúng giá trị thực.

Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ. Ảnh: Thu Hiền
Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ. Ảnh: Thu Hiền

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực nhận định, để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp.

Chuyên gia nhấn mạnh, về phía Nhà nước, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đất đai, xây dựng và BĐS là then chốt, trong đó Nghị quyết về nhà ở xã hội cần sớm được ban hành.

Đặc biệt, cần có những phương án và biện pháp cụ thể, khả thi để ổn định và giảm mặt bằng giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, tập trung giải quyết những bất cập hiện hữu.

Theo VNREA, bước sang năm 2025, thị trường BĐS Việt Nam hứa hẹn một bức tranh đa sắc với sự giao thoa giữa cơ hội và thách thức, tạo nên một không gian kinh doanh vừa sôi động vừa đòi hỏi bản lĩnh của các chủ thể..

Trong bối cảnh đó, vai trò của VNREA càng trở nên quan trọng. Ông Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, Hiệp hội sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp, nỗ lực tìm kiếm giải pháp, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh BĐS an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.