Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành 4 Nghị quyết của Quốc hội, gồm: Nghị quyết số 219/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Nghị quyết số 220/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh;

Nghị quyết số 221/2025/QH15 của Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Nghị quyết số 223/2025/QH15 của Quốc hội bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo Nghị quyết số 219/2025/QH15, Quốc hội quyết nghị: mục tiêu là xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải Trung bộ; kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn, Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết của Đảng.

Về phạm vi, đầu tư khoảng 125km, chia thành 3 dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí điện tử không dừng trong khai thác, vận hành. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 942,15ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 43.734 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025, hoàn thành công trình đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2029.

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt; theo đó, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Dự án, bao gồm các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Cho phép chủ đầu tư dự án thành phần và chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Theo Nghị quyết số 220/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội quyết nghị, đầu tư khoảng 159,31km, chia thành 10 dự án thành phần. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.421ha và sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 120.413 tỷ đồng.

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về khai thác khoáng sản nhóm IV và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc khoáng sản nhóm III theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản (gọi là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) phục vụ Dự án.

Cụ thể, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn khai thác, còn trữ lượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất theo nhu cầu của Dự án mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh; không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh để thực hiện trình tự, thủ tục quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; không phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và đăng ký môi trường nhưng phải bảo đảm yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác. Dừng việc nâng công suất khai thác khi đã cung cấp đủ cho Dự án.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản này vào phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh; sử dụng nguồn dự phòng của Dự án để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực mỏ sau khi đã được khảo sát, đánh giá về trữ lượng, chất lượng theo yêu cầu của Dự án và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về địa chất và khoáng sản để cấp mỏ cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án; quản lý, giám sát quá trình thực hiện và quản lý sau khi hoàn thành Dự án...

Trong Nghị quyết số 221/2025/QH15, Quốc hội quyết nghị: điều chỉnh khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 21.551 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 17.124 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương là 12.144 tỷ đồng, trong đó 6.969 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; và 3.500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 1.675 tỷ đồng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 4.980 tỷ đồng , trong đó: tỉnh Đồng Nai 2.969 tỷ đồng và TP. Hồ Chí Minh 2.011 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 4.427 tỷ đồng.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã ký ban hành: Nghị quyết số 79/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 ngày 5/2/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 1749/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Theo daibieunhandan.vn