Đà Nẵng: Hệ sinh thái khởi nghiệp “bứt phá” mạnh mẽ
Trong 3 thành phố của Việt Nam được lọt vào Top 1.000 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025, Đà Nẵng nổi lên là một điểm sáng với sự tăng trưởng ấn tượng về thứ bậc xếp hạng.

Theo Bảng xếp hạng Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025 vừa được tổ chức StartupBlink công bố mới đây, Việt Nam có 3 thành phố lọt Top 1.000 hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất toàn cầu. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là cái tên đã khá quen thuộc, lần lượt được xếp hạng ở vị trí 110 và 148 trong tổng số 1.450 thành phố trên thế giới được xếp hạng.
Mặc dù chưa đạt được thứ hạng cao như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng Đà Nẵng được nhắc đến là thành phố có sự phát triển mạnh mẽ với những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó, so với năm 2024, Đà Nẵng đã tăng 130 bậc xếp hạng, tương ứng 57,9% (trong khi TP. Hồ Chí Minh tăng 1 bậc, tương ứng 16%; Hà Nội tăng 9 bậc, tương ứng 34,3%). Vị trí xếp hạng thứ 766/1.450 thành phố thực sự là bước tiến đáng ghi nhận của Đà Nẵng.
Tại Hội thảo trực tuyến ra mắt toàn cầu “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025” do StartupBlink tổ chức, Đà Nẵng vinh dự là 1 trong 12 hệ sinh thái nổi bật toàn cầu được chọn để trình bày về những thành tựu và định hướng phát triển tương lai. Đồng thời, Thành phố này cũng được ghi nhận là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp “nóng” nhất toàn cầu năm 2025.
Để có bước tiến vượt bậc này, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh. Đã có gần 30 chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Thành phố ban hành. Trong đó, có các chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá và chưa từng có tiền lệ.
Tiêu biểu có thể như chính sách về thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; miễn thuế cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ; hỗ trợ không hoàn lại từ ngân sách nhà nước để phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chính sách khen thưởng, động viên, khuyến khích tôn vinh các nhà khoa học, tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo…
Ngoài ra, thành phố đã đầu tư mạnh vào hạ tầng khởi nghiệp. Không gian khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, đang đóng vai trò trung tâm kết nối và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Công viên Phần mềm số 2, với diện tích sàn hơn 92.000 m², được thiết kế để phục vụ 6.000 nhân lực, tập trung vào các ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Hạ tầng số hiện đại với cáp quang biển quốc tế APG và SEMEWE 3; hạ tầng Công nghệ thông tin truyền thông đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm Mạng đô thị thành phố (MAN); Trung tâm dữ liệu (Data Centre); Hệ thống kết nối không dây (Wifi) trên toàn thành phố.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng ngày càng đa dạng và năng động với hơn 50 sự kiện lớn nhỏ mỗi năm… thu hút hàng nghìn người tham gia từ trong và ngoài nước. Các không gian làm việc chung, vườn ươm, và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mọc lên không ngừng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nhân trẻ phát triển.
Về nguồn nhân lực, Đà Nẵng cũng đang quy tụ nhiều lợi thế. Đóng trên địa bàn Thành phố hiện có 18 trường đại học, 15 trường cao đẳng, 44 cơ sở đào tạo nghề, ngoài ra còn có các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo của các trường đại học ngoài địa phương; có quy mô đào tạo hàng năm là trên 100.000 sinh viên, đội ngũ 251 giáo sư, phó giáo sư cùng các chuyên gia nghiên cứu là nền tảng vững chắc cho đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo là không có giới hạn và Đà Nẵng cũng đang hướng tới những mục tiêu cao hơn. Đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực châu Á; định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud computing), máy tính lượng tử, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…