Hợp tác xã điện tử - "Lối vào" mạng lưới doanh nghiệp an toàn cho hộ kinh doanh

Thanh Hằng

Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện chiếm tỷ lệ lớn nhưng hoạt động chủ yếu ngoài khu vực chính thức, đang đối mặt với yêu cầu phải chuyển mình mạnh mẽ. Đổi mới mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ và tuân thủ pháp luật không còn là lựa chọn, mà là hướng đi tất yếu nếu hộ kinh doanh muốn tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch và hội nhập.

Nguồn lực lớn chưa được khai thác hiệu quả

Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trên cả nước, khu vực này đóng góp khoảng 30% GDP và tạo việc làm cho hơn 10 triệu lao động. Tuy nhiên, phần lớn lại nằm ngoài hệ thống quản lý chính thức, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, kế toán, hay sử dụng hóa đơn điện tử. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng khu vực này chỉ đóng góp chưa đầy 2% tổng thu ngân sách nhà nước, một con số không tương xứng với tầm vóc thực tế.

Hợp tác xã điện tử được coi là giải pháp an toàn giúp hộ kinh doanh bước vào môi trường doanh nghiệp.
Hợp tác xã điện tử được coi là giải pháp an toàn giúp hộ kinh doanh bước vào môi trường doanh nghiệp.

Tình trạng này không chỉ khiến nguồn lực kinh tế bị phân tán, khó kiểm soát, mà còn gây bất lợi cho chính các hộ kinh doanh trong việc tiếp cận vốn, mở rộng thị trường và hợp thức hóa hoạt động. Do đó, việc hỗ trợ hộ kinh doanh gia nhập mạng lưới doanh nghiệp chính thức là bước đi quan trọng để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân.

Dù chủ trương thúc đẩy chuyển đổi đã được đề ra từ nhiều năm, thực tiễn vẫn cho thấy quá trình này diễn ra chậm chạp. Một phần nguyên nhân xuất phát từ vấn đề nội tại của các hộ kinh doanh là có quy mô nhỏ, năng lực quản trị hạn chế, nhưng quan trọng hơn là thiếu công cụ hỗ trợ chuyển đổi phù hợp. Chi phí vận hành cao, phức tạp thủ tục, thiếu hiểu biết pháp luật và đặc biệt là rào cản về công nghệ khiến nhiều hộ kinh doanh “ngại lớn”.

Không ít hộ kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn, vẫn chưa tiếp cận được phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, hay nền tảng bán hàng hiện đại. Việc chuyển đổi đột ngột sang doanh nghiệp dễ khiến họ rơi vào trạng thái bị động, thậm chí rút lui khỏi thị trường khi không đủ sức thích nghi với các yêu cầu mới về thuế, bảo hiểm, hợp đồng lao động hay tuân thủ pháp lý.

Giải pháp chuyển đổi mềm linh hoạt và hiệu quả

Trong bối cảnh đó, mô hình Hợp tác xã điện tử được kỳ vọng là một giải pháp “chuyển đổi mềm”, giúp hộ kinh doanh từng bước thích nghi với môi trường doanh nghiệp mà không tạo áp lực thay đổi đột ngột. Thay vì ép buộc các hộ phải lập doanh nghiệp ngay, Hợp tác xã điện tử tạo ra một không gian trung gian nơi họ có thể dùng chung hệ thống công nghệ, kế toán, pháp lý và tài chính.

 

Hợp tác xã điện tử là mô hình được Hội đồng sách “Con đường tương lai” - Hội đồng khoa học thuộc Viện khoa học Giáo dục và Môi trường nghiên cứu. Đây cũng là một nội dung trọng tâm trong Tập 2 của bộ sách, nhằm đề xuất một hình thái tổ chức phù hợp với điều kiện Việt Nam vừa mang tính số hóa, vừa tiết kiệm thể chế, vừa thúc đẩy được khu vực hộ kinh doanh cá thể, vốn đang là điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi sang doanh nghiệp.

Hợp tác xã điện tử không chỉ đơn thuần là số hóa mô hình cũ mà là sự tái cấu trúc toàn diện. Với các công cụ như ví điện tử, hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, nền tảng quản lý bán hàng và hệ thống pháp lý tích hợp, Hợp tác xã điện tử giúp các hộ kinh doanh minh bạch hóa hoạt động, giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả quản trị mà vẫn giữ được sự linh hoạt vốn có của mô hình kinh doanh cá thể.

Việc vận hành theo mô hình Hợp tác xã điện tử giúp hộ kinh doanh tiếp cận dần với tiêu chuẩn doanh nghiệp như: ghi nhận đầy đủ doanh thu - chi phí, minh bạch dòng tiền, quản lý lao động chính thức, tuân thủ các quy định về thuế, bảo hiểm và hợp đồng kinh tế. Khi đã quen với nền tảng này, quá trình chuyển đổi sang doanh nghiệp chính thức sẽ diễn ra tự nhiên và ít rủi ro hơn.

Không chỉ vậy, mô hình này còn mở ra cơ hội kết nối với hệ sinh thái hỗ trợ rộng lớn gồm các viện nghiên cứu, nhà đầu tư, tổ chức tài chính và đơn vị cung cấp công nghệ. Đây chính là môi trường lý tưởng để hộ kinh doanh mở rộng quy mô, đổi mới sáng tạo và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng hội nhập sâu rộng.

Khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân

Thực tế hiện nay, hàng chục nghìn doanh nghiệp vẫn đang rời bỏ thị trường mỗi tháng. Sự thiếu ổn định này phản ánh những thách thức lớn trong môi trường kinh doanh, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vốn chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực tư nhân. Nếu không có những giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp thực tiễn, khu vực kinh tế tư nhân sẽ khó bứt phá.

Hợp tác xã điện tử không chỉ là công cụ hỗ trợ kỹ thuật, mà còn là một hình thức tổ chức kinh tế phù hợp với điều kiện và tâm lý của hộ kinh doanh Việt Nam. Mô hình này cho phép từng bước tiếp cận thể chế hiện đại mà không tạo gánh nặng chuyển đổi. Đồng thời, đây cũng là phương án giảm thiểu chi phí giám sát và tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế phi chính thức.

Đáng chú ý, Hợp tác xã điện tử có khả năng tích hợp các định hướng lớn của Đảng được thể hiện trong các Nghị quyết được xem là "bộ tứ trụ cột". Sự hội tụ này giúp hình thành một cấu trúc hành động tích hợp, nơi chuyển đổi hộ kinh doanh không chỉ là một mục tiêu đơn lẻ mà trở thành một phần của chiến lược cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường), để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, cần có mô hình tổ chức trung gian hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận dần các tiêu chuẩn vận hành doanh nghiệp một cách mềm dẻo và thực tiễn. Hợp tác xã điện tử chính là giải pháp như vậy, có thể “chuyển hóa” hộ kinh doanh ngay trong chính môi trường quen thuộc của họ.

Trong một hệ sinh thái có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và người dân, Hợp tác xã điện tử hoàn toàn có thể trở thành “bến đỗ mềm” cho hàng triệu hộ kinh doanh đang loay hoay giữa hai lựa chọn gồm: tiếp tục hoạt động phi chính thức hoặc đối mặt với áp lực chuyển đổi cứng sang doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa tiềm năng đó, cần có chính sách hỗ trợ thí điểm, nhân rộng và hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình Hợp tác xã điện tử. Đây không chỉ là một giải pháp kỹ thuật, mà còn là bước tiến thể chế mang tính chiến lược nhằm nâng tầm kinh tế tư nhân - động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước.