Học viện Tài chính:

Đẩy mạnh đổi mới chiến lược, vươn tầm quốc tế

PV. (t/h)

Được thành lập vào ngày 28/8/1945, Ngành Tài chính Việt Nam đã đánh dấu bước khởi đầu của một nền tài chính quốc gia độc lập, đóng vai trò thiết yếu trong công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước. Song hành cùng sự phát triển của đất nước và Ngành Tài chính, Học viện Tài chính luôn làm tốt vai trò của mình với sứ mệnh “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho đất nước”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Học viện Tài chính
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Học viện Tài chính

Với vai trò là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính, Học viện Tài chính luôn nỗ lực hết mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán; Quản lý - Quản trị.

Học viện Tài chính được thành lập theo Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị là Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khoa học tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Bộ Tài chính. Năm 2003, Học viện  Tài chính tiếp nhận thêm Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả.

Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội tiền thân là Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Trung ương được Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 117/CP ngày 31/7/1963 thành lập, trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của một cơ sở đào tạo chuyên sâu về tài chính, kế toán ở Việt Nam.

Học viện Tài chính có nhiệm vụ đào tạo cán bộ trình độ Đại học, sau đại học về các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán với 5 loại hình đào tạo (Đại học chính quy, Đại học vừa làm vừa học, Đại học bằng 2, Liên thông đại học, Đại học đào tạo từ xa)…

Là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nòng cốt trong lĩnh vực tài chính - kế toán, luôn giữ vai trò tiên phong trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu kinh tế - tài chính quốc gia suốt hơn 60 năm qua.

Hướng tới dấu mốc 80 năm hình thành và phát triển của Ngành Tài chính Việt Nam, Học viện đã xác lập chiến lược đổi mới toàn diện, với mục tiêu khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu, đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái giáo dục tài chính quốc gia và từng bước hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đào tạo tài chính quốc tế.

Thời gian qua, Học viện Tài chính đã đào tạo hơn 500 tiến sĩ, 10.000 thạc sĩ, 140.000 cử nhân kinh tế, hơn 500 cán bộ cho nước bạn Lào, Campuchia. Trong đó, nhiều cựu sinh viên giữ trọng trách cao tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ, ban ngành, địa phương. Quy mô đào tạo trung bình khoảng 25.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh mỗi năm. Hiện nay, Học viện Tài chính đã và đang mở rộng chương trình đào tạo gồm 42 Chương trình đào tạo theo định hướng chứng chỉ quốc tế và Chương trình chuẩn, gồm các ngành: Quản lý Tài chính công; Thuế và quản trị thuế theo định hướng ACCA; Tài chính Bảo hiểm; Ngân hàng theo định hướng ICAEW, Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản theo định hướng ACCA; Đầu tư tài chính theo định hướng ICAEW; Kiểm toán; Kiểm toán theo định hướng ICAEW; Trí tuệ nhân tạo trong Tài chính - kế toán …

Đặc biệt, Học viện Tài chính hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng chương trình đào tạo về ngành bán dẫn, AI và các lĩnh vực công nghệ cao theo nhiều hướng khác nhau phù hợp tình hình thực tiễn. Học viện có trung tâm ươm tạo startup, giúp sinh viên phát triển dự án AI, chip bán dẫn, định hướng nghề nghiệp, kết nối sinh viên với các tập đoàn công nghệ.

Việc làm mới các chương trình đào tạo theo định hướng chứng chỉ quốc tế đã từng bước tiệm cận với khu vực và quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều lựa chọn lĩnh vực theo học. Ngoài ra, Học viện triển khai nhiều chương trình đào tạo liên kết, song bằng, chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, nổi bật là chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp 1 bằng cử nhân DDP liên kết với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh).

Đội ngũ giảng viên và nhà khoa học chất lượng cao được chú trọng phát triển, thu hút tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Học viện không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, triển khai các chương trình đào tạo và chứng chỉ nghề nghiệp toàn cầu, giúp sinh viên có cơ hội vươn tầm quốc tế. Song song với đó, Học viện đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đặc biệt trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, hai tạp chí nghiên cứu tài chính - kế toán bằng tiếng Anh và tiếng Việt đều được Hội đồng Giáo sư Nhà nước duyệt 1,0 điểm và hiện đang trong quá trình triển khai để đưa Tạp chí Tiếng Anh vào chỉ mục khu vực và quốc tế Scopus, WoS.  Học viện tổ chức thường niên các hội thảo quốc tế thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, góp phần nâng cao uy tín và thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tặng quà lưu niệm Học viện Tài chính
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tặng quà lưu niệm Học viện Tài chính

Đến nay, Học viện Tài chính đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục chu kỳ 2 và tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành; đưa ra các giải pháp cải tiến chất lượng, đổi mới quản trị đại học trong giai đoạn mới, phù hợp với tầm nhìn và chiến lược phát triển của Học viện, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người học và yêu cầu của xã hội. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm định AUN-QA, FIBAA…cũng như xếp hạng Đại học theo các tiêu chuẩn THE, QS-Asia và Webometrics.

Song song với các hoạt động đầu tư hạ tầng, Học viện đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai phần mềm quản lý tài nguyên số DSpace và ứng dụng DRM, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ học liệu, hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và bảo vệ bản quyền học thuật.

Với những thành tựu nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách, Học viện Tài chính luôn giữ vai trò là cánh tay nối dài của Bộ Tài chính, tham gia tích cực vào công tác hoạch định và phản biện chính sách, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tài chính từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, trong các giai đoạn chuyển đổi cơ chế, Học viện đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế và tài chính quốc gia, khẳng định vai trò của một trung tâm học thuật gắn kết chặt chẽ với thực tiễn. Đây cũng chính là hiện thực hóa một trong ba trụ cột chiến lược mà Học viện đang triển khai: Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Phục vụ cộng đồng.

Trong giai đoạn mới, vai trò của Học viện Tài chính sẽ ngày càng phát huy mạnh mẽ do yêu cầu đòi hỏi thiết thực của thực tiễn đối với tham gia xây dựng, hoạch định chính sách, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực tài chính kế toán có chất lượng cao cho xã hội, khu vực và quốc tế. Từ nền tảng vững chắc hiện tại, Học viện Tài chính quyết tâm "Đổi mới hôm nay, vững bước ngày mai, vươn tầm thế giới".