Để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất
Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất. Do đó, cần có thông tin thống kê về doanh nghiệp để làm rõ thực trạng phát triển, khó khăn và có chính sách tháo gỡ, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tăng tính minh bạch, thuận lợi hơn trong thu hút vốn đầu tư từ các quỹ tài chính trong và ngoài nước.

Còn gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, góp 30% tổng thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Trong đó, DNNVV là một trong những thành phần quan trọng của kinh tế tư nhân, chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp này là lực lượng chủ yếu khai thác các thị trường ngách, có đóng góp quan trọng, giúp tạo ra công ăn việc làm cho lượng lớn lao động, huy động tối đa nguồn lực trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, lực lượng DNNVV của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, năng lực tài chính yếu. Mặc dù chiếm số lượng đông đảo nhưng chất lượng hoạt động của DNNVV chưa cao (khoảng 90% là quy mô nhỏ, số vốn dưới 10 tỷ đồng), năng lực cạnh tranh còn hạn chế, phần lớn chưa tham gia được vào hoạt động xuất khẩu và chuỗi giá trị, chưa có công nghệ gốc và tiềm lực để số hóa hoạt động kinh doanh; quản trị doanh nghiệp chưa tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Dù đạt được những kết quả kinh doanh tích cực, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn vay. Thực tế, chất lượng tín dụng trong khu vực này được đánh giá tốt, rủi ro thấp và an toàn cao, nhưng do phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn nhiều rào cản.
Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt khoảng 6,91 triệu tỷ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với DNNVV mới đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng DNNVV gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng được cho là do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Ngoài ra, tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, chỉ đạt khoảng 50-60%.
Bên cạnh đó, quy trình thẩm định khoản vay dành cho các DNNVV còn phức tạp và kéo dài. Trong quá trình làm thủ tục cho vay, Ngân hàng thường yêu cầu kế hoạch kinh doanh chi tiết, dự đoán doanh thu, lợi nhuận trong 3-5 năm tới. Tuy nhiên, với tình hình thị trường biến động nhanh, các doanh nghiệp nhỏ rất khó đưa ra con số dự báo chính xác như yêu cầu. Mặt khác, do quy mô nhỏ, không có hệ thống kế toán chuẩn mực hoặc báo cáo tài chính được kiểm toán nên nhiều doanh nghiệp thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, khiến các tổ chức tín dụng khó đánh giá rủi ro và năng lực trả nợ.
Thúc đẩy chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận dòng vốn
Nhằm tạo thuận lợi, phát triển cộng đồng DNNVV, những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm đặc biệt và triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và DNNVV nói riêng thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất. Trong đó, Luật Hỗ trợ DNNVV là nền tảng pháp lý đầu tiên quy định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là về tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, còn có Quỹ hỗ trợ tài chính cho DNNVV như: Quỹ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng. Cụ thể, Quỹ phát triển DNNVV (SMEDF) được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 45/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/4/2024 về Quỹ SMEDF để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs tiếp cận thêm được một kênh vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Trong tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về thúc đẩy phát triển DNNVV, trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có tập trung vào hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho DNNVV. Thực hiện triệt để việc đơn giản hoá quy trình, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu áp dụng phương thức hậu kiểm để DNNVV không bị ảnh hưởng về dòng tiền và hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên giữ ổn định lãi suất; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng phải phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống và các động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nữa, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đa dạng hóa, khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của DNNVV.
Để chính sách hỗ trợ DNNVV bao trùm và hiệu quả, thông tin thống kê về thực trạng doanh nghiệp là rất cần thiết. Hiện Điều tra doanh nghiệp năm 2025 đang được tiến hành với thời gian thu thập thông tin từ 01/4/2025, thời điểm kết thúc thu thập thông tin từng địa phương và quy mô doanh nghiệp, muộn nhất đến hết ngày 31/7/2025. Việc cung cấp thông tin đúng, đủ và kịp thời cho điều tra doanh nghiệp không chỉ phục vụ sản xuất thông tin thống kê mà còn góp phần vào công tác hoạch định chính sách, có tác động đến doanh nghiệp cả nước nói chung và cộng đồng DNVVN nói riêng. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và tinh thần tự giác, phối hợp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời./.