Sau hợp nhất, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng đứng thứ hai toàn quốc
Với những chiến lược phát triển rõ ràng, quyết liệt, Hải Phòng đang dồn toàn lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12,35% trở lên cho cả năm 2025.

Chủ động xây dựng kịch bản
TP Hải Phòng hiện đang nổi lên như một cực tăng trưởng chiến lược, trung tâm cảng biển quốc tế, công nghiệp, thương mại, logistics hàng đầu miền Bắc. Quy mô kinh tế thành phố lớn thứ 3 cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt hơn 209.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ 2/34 tỉnh, thành phố và dẫn đầu trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương cũng như vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, đông Hải Phòng tăng trưởng 11,04%, xếp thứ 7/63 địa phương cũ, đứng thứ 2 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương; tây Hải Phòng tăng trưởng 11,59%, xếp thứ 5/63 địa phương cũ, đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân cả nước (cả nước tăng 9,2%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên 100.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 58.400 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 41.300 tỷ đồng (đông Hải Phòng thu trên 81.100 tỷ đồng; tây Hải Phòng thu trên 19.800 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt trên 139.800 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với đó, thành phố thu hút trên 7,5 triệu lượt khách du lịch, đạt 52% kế hoạch năm, tăng trên 28% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 1,3 tỷ USD; đã thành lập trên 3.300 doanh nghiệp, đạt 56% kế hoạch cả năm.
Đặc biệt, hết tháng 6/2025, TP Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 15.100 tỷ đồng, bằng 38,5% kế hoạch cả năm thành phố giao, bằng 42,2% kế hoạch cả năm Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, đông Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 7.800 tỷ đồng, bằng 30,65% kế hoạch thành phố giao, bằng 30,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tây Hải Phòng giải ngân trên 7.300 tỷ đồng, đạt 53,4% so với kế hoạch tỉnh giao, đạt 70,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đóng góp đáng kể với trên 41.000 tỷ đồng, tăng trên 29%, khẳng định vai trò then chốt của cảng biển Hải Phòng trong chuỗi logistics và thương mại quốc tế. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 86 triệu tấn, đạt 40% kế hoạch năm, với các bến số 3, 4, 5, 6 tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã đi vào hoạt động, càng củng cố vị thế cảng biển hàng đầu khu vực.
Tiếp đà tăng trưởng hai con số
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt hơn 209.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ 2/34 tỉnh, thành phố và dẫn đầu trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương cũng như vùng đồng bằng sông Hồng.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng sáng 24/7, ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khẳng định, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố còn một số hạn chế.
Trong đó, tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp so với tiến độ kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu và quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp còn phát sinh vướng mắc, nhất là ở cấp xã.
Do vậy, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 12,35% cho cả năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong nhiệm kỳ tới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, TP Hải Phòng sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của thành phố. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn, phấn đấu ở mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 226/2025/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Song song với đó, khẩn trương hoàn thành việc thành lập Khu thương mại tự do và Khu kinh tế chuyên biệt. Cụ thể hóa 4 Nghị quyết của Trung ương về trụ cột chiến lược phát triển bao gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW.
TP Hải Phòng cũng sẽ tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục nội bộ, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giữ vững thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)…
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gần 36.000 tỷ đồng), xem đây là một giải pháp then chốt để tạo động lực cho tăng trưởng. Việc tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới và đồng hành cùng nhà đầu tư cũng sẽ là bệ phóng cho các dự án lớn.