Đề xuất bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; trong đó có kết thúc hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra
Trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội sáng 8/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022, gồm có: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra... Các quy định này không bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và còn phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật cũng lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... Các quy định này nhằm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; kết thúc hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Dự thảo sửa đổi, hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Điều 7 của dự thảo Luật quy định các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, dự thảo bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, bao gồm: thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ đối với Bộ không có Thanh tra Bộ; thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra tỉnh, bao gồm: thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc sở và Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở.
Quy định trên được đề xuất do Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ; Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.
Dự thảo Luật cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi thấy cần thiết; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chánh Thanh tra tỉnh được đề nghị Giám đốc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh khi thấy cần thiết.
Quy định trên nhằm tăng cường mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, giữa Thanh tra tỉnh với các Sở và Ủy ban nhân dân cấp xã; bảo đảm người có năng lực, chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra.
Tránh chồng chéo, trùng lặp với hoạt động khác
Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành và việc xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.
Dự thảo Luật đã bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật. Đồng thời, dự thảo Luật được xây dựng ngắn gọn, còn 64 điều, giảm 54 điều (45,76%) so với Luật Thanh tra hiện hành.
Đối với các nội dung cụ thể, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, Ủy ban cho rằng, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh quy định tại dự thảo Luật đang kế thừa quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những đổi mới trong tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra. Theo Ủy ban, các quy định đó chỉ phù hợp với bối cảnh ở các Bộ có Thanh tra Bộ, ở một số sở chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra.
Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.
Về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Ngoài ra cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Do đó, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động này để tạo thuận lợi trong thực hiện, bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát.