Đề xuất quy định chi tiết thuế giá trị gia tăng với chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ
Việc quy định chi tiết đối với hoạt động chuyển giao công nghệ và chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ đang là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), đồng thời không gây xáo trộn hệ thống pháp luật hiện hành.

Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 21 Điều 5 Luật Thuế GTGT hiện hành đã xác định rõ: “Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật” là các đối tượng không chịu thuế GTGT.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, một số trường hợp phát sinh phức tạp, đặc biệt là khi hoạt động chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện đồng thời với việc chuyển giao máy móc, thiết bị. Điều này dẫn đến khó khăn trong xác định phần giá trị nào thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và phần nào phải chịu thuế.
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC đã có quy định hướng dẫn cụ thể. Theo đó, trong trường hợp hợp đồng có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị, thì phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao – nếu được tách riêng – sẽ không chịu thuế GTGT. Ngược lại, nếu không thể tách riêng được, toàn bộ giá trị hợp đồng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành và nhằm đảm bảo tính ổn định, minh bạch trong thực hiện chính sách, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất quy định chi tiết tại khoản 21 Điều 3 dự thảo Nghị định như sau: “Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về công nghiệp công nghệ số và pháp luật liên quan. Trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì cơ sở kinh doanh phải tách riêng giá trị công nghệ chuyển giao, giá trị quyền sở hữu trí tuệ chuyển nhượng để xác định đối tượng không chịu thuế GTGT; trường hợp không tách riêng được thì toàn bộ giá trị hợp đồng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”.
Đánh giá về mặt tác động, Bộ Tài chính khẳng định, quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật Thuế GTGT và không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, quy định không làm phát sinh chi phí tuân thủ mới đối với người nộp thuế, không gây cản trở hoạt động sản xuất – kinh doanh của tổ chức, cá nhân, và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Việc bổ sung quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định không chỉ phù hợp với thẩm quyền được Quốc hội giao, mà còn góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tính khả thi và thống nhất trong thực hiện. Đây là giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.