Dự thảo Luật Quản lý vốn nhà nước: Chỉ quản lý phần vốn góp tại doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện chỉ quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp. Đó là thay đổi căn bản nhất của dự thảo lần này so với trước đây.

Thiết kế bao quát các đối tượng
Làm rõ các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại phiên họp chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thay đổi căn bản nhất của dự thảo Luật lần này so với dự thảo trước là quy định về đối tượng quản lý.
Theo Bộ trưởng, dự thảo trước đây quy định đối tượng quản lý là doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia, tuy nhiên dự thảo Luật lần này chỉ quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp. "Đây là hai vấn đề rất khác nhau", Bộ trưởng nói.
Dự thảo Luật cũng được thiết kế tương đối bao quát và đảm bảo thông thoáng. Dự thảo quy định quản lý với tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nội dung này được thiết kế đan xen ở các chương trong dự thảo. Nhóm doanh nghiệp dưới 50% vốn sở hữu của nhà nước sẽ được quản lý thông qua người đại diện vốn.
Theo đó, dự thảo quy định theo hướng, người đại diện vốn nhà nước có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người đại diện vốn có thể đề xuất Nhà nước tăng thêm vốn, hoặc ngược lại.
Chỉ quản lý với doanh nghiệp F1
Đối với ý kiến của các đại biểu liên quan đến quản lý doanh nghiệp F1 hay F2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước đây khi trình Quốc hội ở kỳ họp trước, Chính phủ đã bàn bạc nhiều lần và quyết định chỉ quản lý doanh nghiệp F1. Tuy nhiên, khi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần phải quản lý cả doanh nghiệp F2 bởi có nhiều doanh nghiệp F2 quy mô lớn hơn nhiều doanh nghiệp F1.
Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ Tài chính cùng Uỷ ban Kinh tế Tài chính đã họp nhiều lần và đưa doanh nghiệp F2 vào đối tượng quản lý như ý kiến đại biểu. Song sau khi trình Chính phủ thảo luận nhận thấy nhiều vấn đề chưa hợp lý, do đó quyết định hoàn thiện dự thảo lần này theo hướng chỉ quản lý với doanh nghiệp F1.
Trước vấn đề chính sách tiền lương được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho hay, dự thảo Luật được thiết kế giao quyền chủ động cho doanh nghiệp. Chính sách tiền lương với hội đồng quản trị và ban kiểm soát còn căn cứ theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, chủ sở hữu vốn quyết định tiền lương và thù lao. Dó đó, Chính phủ đang xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội về lương của thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát cần xin ý kiến chủ sở hưu vốn hay không, các đối tượng còn lại hiện dự thảo toàn bộ cho doanh nghiệp.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, dự thảo Luật đã thể hiện nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp nhưng vẫn quản lý hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, do đó, dự thảo Luật cần tập trung nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp hoàn thiện quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, vai trò của từng đối tượng... để đảm bảo minh bạch, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Đặc biệt, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp nhưng cũng cần có những biện pháp kiểm soát để vốn nhà nước không thất thoát.