Giải pháp để ngành thương mại của “siêu đô thị” TP. Hồ Chí Minh phát triển trong thời kỳ mới
Chiều 11/7, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức Tọa đàm “Không gian phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”.

Nâng tầm vị thế "siêu đô thị"
Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi cơ hội và thách thức luôn song hành. Việc mở rộng không gian phát triển, vận hành mô hình đô thị đa trung tâm không chỉ đơn thuần là điều chỉnh cơ học về mặt hành chính, mà quan trọng hơn, đây chính là cơ hội nâng tầm vị thế của Thành phố trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đang giữ vai trò đầu tàu, chiếm hơn 20% tổng mức bán lẻ cả nước, đóng góp lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, ngành thương mại – dịch vụ vẫn tồn tại một số điểm nghẽn như hạ tầng thương mại phát triển thiếu đồng bộ; chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối thiếu liên kết; thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng thiếu gắn kết thực chất với chuỗi logistics, sản xuất và hệ thống phân phối.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cơ hội rất lớn đang mở ra cho ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh khi hợp nhất với BÌnh Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu.
Tuy nhiên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng nhìn nhận những điểm yếu của ngành này ở siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh. Đó là thiếu đồng bộ, thiếu liên kết, còn rời rạc; thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng cũng thiếu gắn kết. Ngoài ra còn thiếu liên kết sản phẩm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ngành Công Thương Thành phố đã xác định một số định hướng trọng tâm trong phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn mới gồm: Phát triển quy hoạch không gian thương mại – dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng.
Trong đó, ưu tiên hình thành các cụm trung tâm mua sắm - hậu cần - chợ đầu mối - logistics tại khu vực phía Nam, phía Tây, kết nối với các tuyến vành đai và cảng biển.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy chợ truyền thống, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm chuyển đổi vận hành, quản trị, thanh toán và kết nối chuỗi cung ứng.
Song song đó, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng các ngành hàng chiến lược (nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, điện máy...) theo hướng linh hoạt, chủ động thích ứng với biến động thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo khả năng cung ứng ổn định, bền vững.
Tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng thương mại - logistics thông minh, đồng bộ. Tăng cường đầu tư vào các trung tâm phân phối, kho vận hiện đại, sàn giao dịch điện tử, kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đô thị và cảng biển; phát triển chuỗi logistics cảng biển thông minh, tận dụng lợi thế cảng trung chuyển Cần Giờ, tăng cường kết nối vùng và quốc tế.
Hướng đến trung tâm mua sắm của khu vực
Nhận định về không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chı́nh sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, sau sáp nhập với Bı̀nh Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh mới được mở rộng chưa từng có.
TP. Hồ Chí Minh giờ đây trở thành một siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chı́nh - tài chı́nh - tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp - logistics - cảng biển năng động. TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có cơ sở để hướng đến mô hình trung tâm mua sắm - tiêu dùng hàng đầu Đông Á.
Về quy mô, tổng diện tı́ch địa lý của thành phố mới đạt khoảng 6.772 km², gấp hơn 3,2 lần diện tı́ch TP. Hồ Chí Minh cũ, gấp khoảng 25 lần Kuala Lumpur hay Đài Bắc, trên dưới 10 lần Singapore, Jakarta, Seoul; 4,3 lần Bangkok và tương đương với Thượng Hải, đưa TP. Hồ Chí Minh vào nhóm đô thị lớn bậc nhất Đông Á.
Dân số chı́nh thức đạt ngưỡng 14 triệu người, chiếm khoảng 13,5% dân so cả nước, tương đương với Tokyo, vượt Jakarta, điều này tạo nên một thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ.
Xét về quy mô kinh tế, TP. Hồ Chí Minh mới đạt tới khoảng 120 tỷ USD GRDP, tương đương 23,5% GDP cả nước, khẳng định vai trò đầu tàu và trung tâm tı́ch tụ kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Theo ôn Tuấn, TP. Hồ Chí Minh vốn là địa phương dẫn đầu cả nước về tổng mức bán lẻ, với hơn 1,2 triệu tỉ đồng, nay được bổ sung thêm từ Bı̀nh Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Như vậy, nhı̀n từ góc độ thị trường, TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm tiêu dùng và dịch vụ đa dạng nhất Việt Nam, vừa đóng vai trò đầu mối phân phối, vừa là nơi dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng quốc gia.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ các giải pháp cũng như kiến nghị để nhận diện rõ các điểm nghẽn, thách thức cũng như cơ hội phát triển mới cho Thành phố. Trên cơ sở đó, định vị lại không gian thương mại – dịch vụ, xác lập tư duy chiến lược phát triển chuỗi cung ứng và bán lẻ, góp phần tạo cơ sở vững chắc để hoạch định chính sách phát triển ngành thương mại – dịch vụ, bảo đảm sát thực tiễn, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng.