Cần sớm ban hành quy định tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước

Hiếu Phương

Cần có quy định về bộ tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước để có cơ sở xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”.

Hội thảo trao đổi tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.
Hội thảo trao đổi tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Đây là vấn đề được các đại biểu thống nhất nêu lên tại Hội thảo Trao đổi tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 11/7 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết, trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia, mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.

Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng,, chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có hướng dẫn về cách xác định sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam để phục vụ hàng hóa sản xuất để xuất khẩu. Các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tuy nhiên, với hàng hóa lưu thông trong nước, hiện chưa có cơ sở pháp lý hoàn thiện quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Chính vì vậy, trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn không xuất xứ đang ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm nghiêm trọng hình ảnh và uy tín sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu chính sách quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

“Đây sẽ là bộ tiêu chí cơ sở để doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”, giữ vững thị phần hàng hóa của “sản phẩm Việt Nam” trên chính sân nhà và tránh phát sinh tranh chấp giữa bên lưu thông hàng và bên sử dụng hàng hóa trong nước, gây tổn hại đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.

Bất cập và khó khăn trong thực tiễn xác định xuất xứ hàng hóa

Tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, giới thiệu về cơ sở xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Trong đó, có nêu lên thực trạng hàng hóa lưu thông trong nước; mục tiêu, phạm vi điều chỉnh xây dựng chính sách đối với tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. 

Chia sẻ thêm về những khó khăn bất cập, ThS. Bùi Thị Thùy Dương - Chuyên viên Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, nhận định, thực tế cho thấy còn nhiều bất cập trong việc ghi nhãn xuất xứ của hàng hóa lưu thông trong nước.

Quy định hiện hành chưa có tiêu chí cụ thể để xác định một hàng hóa là “hàng hóa của Việt Nam” hay “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” nếu được tiêu thụ nội địa. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định sản phẩm hàng hóa của mình có được xác định và ghi sản xuất tại Việt Nam hay không. Nghiêm trọng hơn, nhiều sản phẩm chỉ qua một số công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản, trộn đơn giản tại Việt Nam vẫn được gắn mác “Made in Vietnam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam”.

Điều này không chỉ gây nhiễu loạn cho người tiêu dùng trong xác định sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ chính xác trong nước, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước do không có căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý khi phát hiện trường hợp ghi xuất xứ không trung thực trên nhãn hàng.

Cần sớm có bộ tiêu chí thống nhất 

Để khắc phục các tồn tại nêu trên và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính, ThS. Bùi Thị Thùy Dương khuyến nghị, cần sớm thiết lập hành lang pháp lý minh bạch về hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước. Theo đó, ban hành văn bản quy định tiêu chí xác định “hàng sản xuất tại Việt Nam”; đồng thời, bổ sung hoàn thiện thêm quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa hàng hóa.

Theo bà Thùy Dương, việc xây dựng một hệ thống tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa nhằm xác định khi nào một sản phẩm được phép ghi “sản xuất tại Việt Nam” là một nhiệm vụ rất cần thiết, nhưng cần được thiết kế linh hoạt, có lộ trình, phân loại theo nhóm ngành hoặc rủi ro. Đồng thời, cần có sự tham vấn rộng rãi với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao trong thực tiễn áp dụng.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu giới thiệu về cơ sở xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu giới thiệu về cơ sở xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, có thể áp dụng một số giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo như: Xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về chuỗi cung ứng và nguồn gốc sản phẩm; Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử kết nối doanh nghiệp – cơ quan quản lý để lưu trữ, khai báo và truy xuất các thông tin về nguyên liệu, linh kiện, công đoạn sản xuất.

Về phần mình, doanh nghiệp có thể tự kê khai số liệu về tỷ lệ nội địa hóa, mã HS, chứng từ đầu vào... và được cấp mã định danh số cho sản phẩm đã đủ điều kiện ghi “sản xuất tại Việt Nam”. Hệ thống này vừa giúp cơ quan quản lý hậu kiểm nhanh chóng, vừa giảm gánh nặng thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, xây dựng nền tảng khai báo và đánh giá tự động; Phát triển nền tảng trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá điều kiện được ghi “sản xuất tại Việt Nam” dựa trên các tiêu chí định lượng sắp được quy định.

Đối với việc ghi nhãn hàng hóa, nên thúc đẩy ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử (QR code, blockchain, RFID). Triển khai mã QR hoặc công nghệ blockchain trên nhãn sản phẩm để cho phép người tiêu dùng truy cập thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, nơi gia công, tỷ lệ linh kiện nhập khẩu...

Đối với các ngành có rủi ro gian lận cao (điện tử, thực phẩm chức năng, thời trang...), có thể thí điểm truy xuất nguồn gốc đến cấp lô hàng hoặc từng sản phẩm, giúp nâng cao niềm tin và trách nhiệm minh bạch thông tin.