Giảm nghèo bền vững 2021 - 2025: Nhiều chỉ tiêu về đích sớm
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực. Không chỉ đạt, nhiều chỉ tiêu còn về đích sớm, cho thấy hiệu quả thực chất của chính sách, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn sau đại dịch và thiên tai.

Những con số biết nói là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Cụ thể, theo thông tin từ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, nguồn lực tài chính dành cho chương trình được phân bổ mạnh mẽ, với tổng ngân sách Trung ương cấp khoảng 44,6 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 80%) để hỗ trợ các địa phương khó khăn.
Bên cạnh đó, các địa phương đã đối ứng khoảng 3.000 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn huy động xã hội hóa cũng lên đến hơn 7.000 tỷ đồng - một con số ấn tượng cho thấy sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo.
Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã đạt 3 trong tổng số 5 mục tiêu và vượt 2 mục tiêu còn lại. Các kết quả cụ thể cho thấy hiệu quả rõ rệt ở nhiều mặt: tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc đã giảm từ mức 5,2% đầu giai đoạn xuống còn khoảng 1,93% vào cuối năm 2025. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều hiện ở mức dưới 1%, vượt xa chỉ tiêu đề ra. Đối với các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 45% xuống còn 24,86%, còn tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ này đã hạ từ 25% xuống chỉ còn 12,55%.
Không chỉ dừng lại ở việc giảm nghèo thuần túy, chương trình còn chú trọng phát triển sinh kế và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đã có hơn 11.000 mô hình giảm nghèo được triển khai trên toàn quốc, trong đó hơn 10.000 mô hình tập trung vào sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực cốt lõi trong sinh kế của các hộ nghèo. Khoảng 1.000 mô hình trồng trọt tiêu biểu đang phát huy hiệu quả, tạo thu nhập ổn định và lâu dài.
Song song với phát triển sinh kế, chương trình cũng đẩy mạnh kết nối việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Tính đến nay, hơn 134.000 lao động đã được hỗ trợ tìm việc làm, vượt xa mục tiêu tối thiểu là 100.000 người.
Về hạ tầng, hơn 5.000 công trình dân sinh được xây dựng, trong đó khoảng 1.000 công trình phục vụ trực tiếp cho giáo dục, y tế, điện và giao thông, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản tại các vùng khó khăn.
Một trong những kết quả đáng chú ý khác là việc hỗ trợ hơn 160.000 trẻ em dưới 16 tuổi được cải thiện chế độ dinh dưỡng, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống còn 25,42% - vượt xa mục tiêu ban đầu là dưới 34%.
Các kết quả này cho thấy hiệu quả thực thi Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều tiến bộ so với giai đoạn trước. Đó là nhờ vào cách tiếp cận đa chiều và tích hợp về nghèo, từ đó tìm sinh kế giảm nghèo bền vững phù hợp; áp dụng công nghệ số và điều tra hộ nghèo điện tử để minh bạch hóa tiêu chí, đối tượng giảm nghèo; giảm sự phụ thuộc vào hỗ trợ tiền mặt đơn thuần, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, gắn với cam kết vươn lên của người dân..
Thành tựu trong giai đoạn 2021 - 2025 chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam bước tiếp hành trình giảm nghèo bền vững trong thập kỷ tới, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong giai đoạn tới, Chính phủ định hướng tích hợp Chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình xây dựng nông thôn mới, lấy người dân làm trung tâm và mục tiêu hướng tới là xây dựng vùng nông thôn phát triển toàn diện: xanh, sạch, hiện đại, có ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, mà còn là giảm nghèo đa chiều một cách căn cơ và bền vững.
Đến cuối năm 2025, dự kiến Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho gần 90.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Điều này thể hiện sự đóng góp tích cực vào Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát".