Hải Dương tháo gỡ khó khăn cho các dự án “treo”

Nguyệt Hà

Qua quá trình “mổ xẻ”, phân loại từng dự án chậm tiến độ, tỉnh Hải Dương đã tìm ra “phương thuốc” phù hợp. Không ít dự án đã được “cởi trói” bằng việc điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất. Điều này khẳng định triết lý: Vừa nghiêm khắc thực thi quy định, vừa tạo hành lang thuận lợi cho nhà đầu tư có tâm và có tầm.

Dự án Trung tâm tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại thành phố Hải Dương.
Dự án Trung tâm tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại thành phố Hải Dương.

Tại Hải Dương, nhiều dự án đang đứng trước nguy cơ bị đình trệ hoặc chấm dứt hoạt động đã được “gỡ khó” thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, tạo điều kiện để dòng vốn và nguồn lực được tiếp tục khai thác hiệu quả. Đơn cử là Dự án Trung tâm tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại thành phố Hải Dương do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trước ngày 16/10/2021..

Theo phê duyệt, dự án xây dựng 2 tòa nhà gồm tòa phía trước 15 tầng, tòa phía sau 19 tầng. Tổng diện tích đất sử dụng hơn 2.800 m2 với tổng vốn đầu tư trên 321.762 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển nhượng dự án từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam vào năm 2020, doanh nghiệp này đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch xây dựng một tòa nhà 25 tầng. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận do lo ngại về áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật của khu vực.

Thay vì dừng lại, nhà đầu tư đã chủ động rút đề xuất điều chỉnh, cam kết thực hiện theo quy hoạch ban đầu gồm hai tòa nhà 15 và 19 tầng. Sự linh hoạt và thiện chí từ cả hai phía (nhà đầu tư chấp nhận điều chỉnh và chính quyền tạo điều kiện gia hạn thời gian thực hiện) đã mở đường cho dự án tiếp tục được triển khai, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Còn với Dự án cơ sở sơ chế hàng nông sản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hanh Khánh. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng, đã bị chậm tiến độ do doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn dịch bệnh. Sau lần thứ hai được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh tiến độ vào đầu tháng 4/2025, doanh nghiệp đã bày tỏ sự phấn khởi và cam kết tập trung nguồn lực để sớm đưa dự án vào hoạt động. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy sự đồng hành của chính quyền có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn.

Tương tự, Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Nội - Hải Dương của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển y tế Thành Đông được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021 với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng một bệnh viện đa khoa 500 giường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Dù thời gian hoàn thành dự kiến chỉ trong 36 tháng, dự án vẫn chưa thể triển khai.

Tuy nhiên, thay vì áp dụng biện pháp mạnh ngay lập tức, đầu năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã tiến hành kiểm tra, rà soát và “bắt bệnh” chính xác: Dự án chậm tiến độ chủ yếu do nguyên nhân khách quan và một phần trách nhiệm từ chính quyền địa phương.

Nhà đầu tư đã hoàn thành việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng với các hộ dân, nút thắt duy nhất còn lại nằm ở diện tích đất công điền do địa phương quản lý. Thêm vào đó, thời điểm triển khai trùng với giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng là một trở ngại lớn... Vì vậy, trước những vướng mắc trên, các ngành chức năng tại Hải Dương đã xem xét và đề xuất gia hạn tiến độ thực hiện dự án.

Theo ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, trong năm qua, một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thường xuyên đôn đốc, có những biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng dự án chậm tiến độ. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, sâu sát trong triển khai thực hiện.

Sau khi HĐND tỉnh Hải Dương cho ý kiến, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, phân loại kỹ lưỡng từng dự án. Các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ tìm hiểu “căn nguyên” của sự chậm trễ. Đối với nút thắt nằm ở chính quyền, liên quan đến thủ tục hành chính, phải quyết liệt, nỗ lực tìm biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đối với vướng mắc đến từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương tìm hiểu kỹ khó khăn, động viên, đồng hành để cùng “cởi nút thắt”. Chỉ khi doanh nghiệp không còn đủ năng lực đầu tư, không thể triển khai dự án được nữa, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan mới tính đến phương án xử lý cuối cùng bằng biện pháp thu hồi đất, thu hồi quyết định đầu tư.