Bắc Ninh đặt mục tiêu doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt 1,5 tỷ USD/năm

Minh Đức

Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành với nhiều mục tiêu đầy tham vọng; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Công ty Amkor Technology Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Bắc Ninh
Công ty Amkor Technology Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Bắc Ninh

Dư địa phát triển lớn nhưng nhiều áp lực

Bắc Ninh hiện là một trong những trung tâm sản xuất điện tử lớn của Việt Nam. Địa phương này đang có sự hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn toàn cầu như Samsung, Foxconn, Cannon, Amkor, Goertek…

Giá trị ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, vi tính và sản phẩm quang học sơ bộ năm 2024 trên địa bàn Tỉnh chiếm 79,1% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

Hiện nay, Bắc Ninh đang triển khai thu hút đầu tư, thực hiện một số dự án. Tiêu biểu là nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD; Dự án Nhà máy sản xuất Hana Micron Việt Nam của Công ty TNHH Hana Micron Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 30 triệu USD. Bên cạnh đó là khoảng gần 30 dự án đăng ký hoạt động, sản xuất, gia công trong lĩnh vực điện tử có liên quan đến bán dẫn.

Tuy nhiên, Bắc Ninh đang đứng trước áp lực rất lớn về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chỉ tính riêng nhà máy Amkor Bắc Ninh, nếu đi vào hoạt động với công suất tối đa, dự kiến nhu cầu lao động khoảng 7.000 người, đến năm 2035 sẽ cần khoảng 10.000 lao động.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác có hoạt động về đào tạo. Tỷ lệ tuyển sinh ở bậc cao đẳng và trung cấp rất thấp và chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thực tế. Trong khi dự kiến nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn thời gian tới (đến hết năm 2030) cần khoảng 10.000 - 15.000 lao động.

Về hạ tầng, Bắc Ninh cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ. Đến nay, Tỉnh vẫn chưa có khu công nghiệp chuyên biệt cho bán dẫn. Đặc biệt, các hạ tầng hỗ trợ, điển hình là nước siêu tinh khiết, chưa được đầu tư đúng mức...

Tham vọng lớn

Thách thức không nhỏ, song Bắc Ninh cũng đặt quyết tâm rất lớn để phát triển công nghiệp bán dẫn. Trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được ban hành, Bắc Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái sản xuất vi mạch và linh kiện bán dẫn hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trong giai đoạn 5 năm tới, Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn và 5 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực.

Phấn đấu để quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh đạt trên 1,5 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh đạt trên 35 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt từ 10 - 15%.

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Bắc Ninh phấn đấu đạt trên 5.000 kỹ sư, cử nhân, với cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đến năm 2045, Bắc Ninh đặt mục tiêu hình thành ít nhất 30 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh đạt trên 10 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Bắc Ninh đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt từ 20 - 25%. 

Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt trên 10.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Cơ chế “luồng xanh” cho công nghiệp bán dẫn

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trên, Bắc Ninh sẽ thực hiện các chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty đầu tư vào bán dẫn. Ưu đãi thuế nhập khẩu thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, sản xuất.

Tỉnh Bắc Ninh đồng thời sẽ áp dụng cơ chế “Luồng xanh 60%” cho các hồ sơ, thủ tục, dự án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi đặc thù, bao gồm: Hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn; Thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo bán dẫn cho doanh nghiệp nội địa; Hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.

 

Đến năm 2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu đào tạo tối thiểu 30.050 lao động ngành công nghiệp bán dẫn. 

Thúc đẩy đầu tư chiến lược, phấn đấu thu hút đầu tư mới 3 - 5 tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nhà máy và trung tâm R&D tại Bắc Ninh hoặc các nhà đầu tư hiện có tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Địa phương này cũng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu vi mạch hàng đầu khu vực.